Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi – ngữ văn 8 tập 2 – Chân trời sáng tạo

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi – ngữ văn 8 tập 2 – Chân trời sáng tạo chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về bài học này.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:

Văn bản: Về Ba Tri thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 1 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Đoạn mở bài, kết bài trong văn bản trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi như thế nào?

Trả lời:

– Đoạn mở bài đã giới thiệu và cảm nhận chung của người viết về chuyến đi.

– Đoạn kết bài đã nêu cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa của chuyến đi.

Câu 2 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Liệt kê các sự việc được kể, xác định sự việc chính và trình tự kể về các sự việc trong phần thân bài.

Trả lời:

– Các sự việc được kể:

+ Các hoạt động trên xe di chuyển về điểm tham quan.

+ Tham quan khu đền thờ cũ.

+ Tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

+ Tham quan một số điểm khác ở khu lăng mộ, khu tưởng niệm rồi lên xe trở về.

– Sự việc chính: Tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

– Các sự việc trên được kể theo trình tự thời gian cũng là theo diễn biến của chuyến đi.

Câu 3 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Tìm một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể và miêu tả, biểu cảm. Việc kết hợp các yếu tố đó có tác dụng gì?

Trả lời:

Một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp:

– Kể với miêu tả:

+ Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

+ Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng…

– Kể với biểu cảm:

+ Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ…

+ Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ…? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cốt cách bình đi, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời.

=> Tác dụng của việc kết hợp đó: làm cho chuyến đi trở nên sinh động, lời văn vừa sáng rõ, vừa gợi tả và truyền cảm.

Câu 4 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi là gì? Ý nghĩa đó được thể hiện trong bài viết bằng cách nào? Việc sử dụng ngôi thứ nhất để kể lại chuyến đi có tác dụng gì trong việc thể hiện ý nghĩa đó?

Trả lời:

– Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi được nói rõ ở đoạn kết. Ngôi thứ nhất giúp người viết thể hiện trực tiếp những quan sát, cảm xúc cũng như những trải nghiệm thực tế của bản thân; gây được niềm tin về tính xác thực và việc giao tiếp với người đọc cũng thuận lợi hơn…

Câu 5 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Từ bài viết trên, em rút ra được lưu ý gì khi viết bài văn kể lại một chuyến đi?

Trả lời:

+ Cần phải sắp xếp sự việc theo trình tự thời gian.

+ Thuật lại được diễn biến của chuyển đi cũng như các sự việc quan trọng.

+ Tạo được điểm nhấn để tránh dàn trải, dài dòng.

+ Kết hợp tự nhiên các yếu tố miêu tả, biểu cảm….

 Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết sử dụng yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy).

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

  • Trả lời các câu hỏi sau để xác định yêu cầu của đề bài:

– Chuyển di nào đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc?

– Mục đích viết bài này là gì (chia sẻ trải nghiệm của em với bạn bè, thầy cô hay để tham gia một cuộc thi viết)?

– Người đọc bài này có thể là ai? Họ muốn thu nhận được điều gì từ bài viết

– Với mục đích và người dọc đó, nội dung và cách viết sẽ như thế nào

  • Để thực hiện được yêu cầu của đề bài, em cần:

– Xem lại đặc điểm của kiểu bài.

– Nhớ lại, tập hợp và ghi chép những tư liệu liên quan về chuyển đi mà em đã tham gia.

– Tìm thêm các tư liệu liên quan đến chuyến đi để đảm bảo sự đa dạng và độ tin cậy của thông tin.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Em hãy:

– Xác định rõ: hoàn cảnh, lý do, mục đích thực hiện chuyến đi; những người cùng tham dự; phương tiện di chuyển, khung cảnh, không khí chuyến đi; trình tự các hoạt động từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc.

– Xem lại các tư liệu vừa thu thập, đánh dấu và lọc ra các ý cần cho bài viết (ví dụ: các tư liệu liên quan đến địa điểm, thời gian, trình tự diễn biến…).

– Liệt kê các sự kiện cụ thể cần thuật lại, chọn sự kiện chính làm điểm nhấn trong văn bản.

– Liệt kê sự việc, cảnh vật, con người… trọng tâm cho bài viết; lưu ý kết hợp miêu tả hay thể hiện suy nghĩ, tình cảm khi kể.

– Dự kiến một số kiểu câu, từ ngữ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cho bài viết.

– Sắp xếp các ý đã ghi theo trình tự hợp lý vào sơ đồ dàn ý sau:

Mở bài – Giới thiệu về chuyến đi.

– Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.

Thân bài – Nêu những thông tin cơ bản về chuyến đi.

– Thuật lại chuyến đi (thời gian, địa điểm, sự kiện, cảm xúc,…); kết hợp kể và miêu tả.

– Nêu ấn tượng đặc biệt của người viết khi tham gia chuyến đi

Kết bài – Khẳng định lại tình cảm/ suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.

– Nêu giá trị hay bài học về chuyến đi.

Bước 3: Viết bài

Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài.

                                               Bài viết tham khảo

Mỗi chuyến đi mang đến cho ta những khoảnh khắc đáng nhớ và bài viết của tôi cũng không ngoại lệ. Cuộc phiêu lưu gần đây nhất, vào kỳ nghỉ hè vừa qua, đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về vùng đất huyền bí – Đà Lạt. Đó là một chuyến đi không chỉ để thư giãn mà còn để thấu hiểu những giá trị văn hóa và thiên nhiên tuyệt vời của đất nước.

Ngày sớm ấy, bố tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng khi đặt vé máy bay. Tại sân bay, không khí đầy sôi động và hứng khởi. Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác bay lên bầu trời xanh thăm thẳm. Cảnh đèn thành phố xa vút dần trở thành những đám mây trắng mỏng manh, tạo nên một hành trình đầy phép màu.

Đến Đà Lạt, tôi và gia đình được chìm đắm trong không khí trong lành và tươi mới của thành phố ngàn hoa. Đường phố đẹp như trong tranh, hồ Xuân Hương yên bình giữa thành phố, thác Prenn hùng vĩ là những điểm đến tuyệt vời của chúng tôi. Còn gì tuyệt vời hơn khi được đắm chìm trong không gian yên bình của thiền viện Trúc Lâm hay thưởng thức những món ăn ngon tại chợ Đà Lạt.

Những ngày thăm quan, tôi không chỉ chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tuyệt vời mà còn gặp gỡ và trò chuyện với những người dân tận tâm, thân thiện. Cuộc sống bình dị, chân thật tại Đà Lạt đã làm cho tôi hiểu rõ hơn về văn hóa và tình cảm nhân ái của người Việt Nam.

Cuối cùng, những ngày ở Đà Lạt không chỉ mang lại cho tôi những kí ức đẹp đẽ mà còn là động lực mới, là niềm tin vào vẻ đẹp của đất nước và con người. Chuyến đi đã mở ra trước mắt tôi một hình ảnh tươi mới về quê hương yêu dấu, làm cho tình yêu và tự hào về đất nước của mình trở nên vô song.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Viết xong, dùng bảng kiểm sau để tự chỉnh sửa bài văn.

Với những hướng dẫn soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi – ngữ văn 8 tập 2 – Chân trời sáng tạo chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.