Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53

Hướng dẫn soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 Ngữ văn 12 tập 2 Cánh diều chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về bài học này.

Câu hỏi 1: (SGK Ngữ văn 12 Tập 2 – Trang 53)

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 - 1

Tìm biện pháp tu từ nghịch ngữ được Vũ Trọng Phụng sử dụng trong các ngữ liệu sau (trích từ tiểu thuyết Số đỏ):

a) Người ta đã nghĩ đến cả thuốc thánh đền Bia vừa mới chữa một người ho lao và một người cảm thương hàn bằng bùn đen và cứt trâu, công hiệu đến nỗi họ mất mạng, và quan trên lại điều tra rằng có một tụi cường hào tổ chức ra thánh, mà tụi cường hào ấy lại ăn cắp tiền quỹ nữa, nên tự nhiên cũng hết thiêng liêng… Những việc trắc trở như thế đã làm cho ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh.

b) Sáng hôm sau, đúng 7 giờ thì cất đám. Hai viên cảnh sát thuộc bộ thứ 18 là Min Đơ và Min Toa đã được thuê giữ trật tự cho đám ma. Giữa lúc không có ai đáng phạt mà phạt, đương buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ, mấy ông cảnh binh này được có đám thuê thì sung sướng cực điểm, đã trông nom rất hết lòng. Thành thử tang gia ai cũng vui vẻ cả, trừ một Tuyết.

c) Thấy không “giới thiệu” bà Phó nữa thì hỏng, Xuân lại nói:

– Đây là bà Phán, một phụ nữ đã thủ tiết với hai đời chồng, một bậc mẹ hiền, có công với làng thể thao!

d) Xuân Tóc Đỏ chỉ nghe lỏm được có thể. Ở quầy bên cạnh, từ đấy trở đi chỉ còn thấy tiếng đũa bát lạch cạch, vì hai người thám tử đã nhất định giữ kín những bí mật đã hở.

Gợi ý trả lời:

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 - 2

a) Biện pháp tu từ nghịch ngữ:

– “Công hiệu đến nỗi họ mất mạng”

– “Những việc trắc trở như thế đã làm cho ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh.”

b) Biện pháp tu từ nghịch ngữ: 

– “Giữa lúc không có ai đáng phạt mà phạt”

c) Biện pháp tu từ nghịch ngữ:

– “Một phụ nữ đã thủ tiết với hai đời chồng”

– “Một bậc mẹ hiền, có công với làng thể thao!”

d) Biện pháp tu từ nghịch ngữ:

– “Giữ kín những bí mật đã hở”

=> Những biện pháp tu từ nghịch ngữ này tạo ra sự mỉa mai và châm biếm, phản ánh một cách trào phúng các hiện thực xã hội qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng.

Câu hỏi 2: (SGK Ngữ văn 12 Tập 2 – Trang 53)

Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nghịch ngữ trong các ngữ liệu sau:

a) Phải viết thôi! Viết để quên đi, viết để nhớ lại. […] Cần phải viết về những người thân yêu cũng như về những con người xa lạ hằng ngày nườm nượp qua đường vô tình trở thành những chứng nhân của cuộc đời nhau. (Bảo Ninh)

b) Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy. (Nguyễn Khải)

c) Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!… Nghĩ thế thì thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Y sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may, sống bất cứ thể nào và chết thế nào cũng được. Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã. (Nam Cao)

Gợi ý trả lời:

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 - 3

a)

  • Biện pháp tu từ nghịch ngữ: “Viết để quên đi, viết để nhớ lại.”
  • Tác dụng: Câu nghịch ngữ này gây ấn tượng mạnh, mở ra một cách nhìn mới mẻ và đa chiều về chiến tranh. Viết không chỉ để quên đi những đau thương mà còn để ghi nhớ những ký ức, những con người cao cả đã hy sinh. Đây là cách để tác giả nhắc nhở rằng dù muốn quên đi nỗi đau, ta vẫn phải nhớ về những giá trị thiêng liêng mà chiến tranh mang lại.

b)

  • Biện pháp tu từ nghịch ngữ: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ.”
  • Tác dụng: Câu nghịch ngữ này thể hiện sự giao hòa giữa những điều đối lập như sự sống và cái chết, hạnh phúc và gian khổ. Nó mang lại bài học lớn lao về cuộc sống: dù gặp khó khăn, thử thách, chúng ta không nên từ bỏ mà hãy dũng cảm bước qua để tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc thật sự trong cuộc đời.

c)

  • Biện pháp tu từ nghịch ngữ: “Chết mà chưa sống.”
  • Tác dụng: Câu nghịch ngữ này nhấn mạnh bi kịch của nhân vật. Anh lo sợ rằng mình sẽ chết đi mà chưa kịp sống thực sự, tức là chưa làm được điều gì ý nghĩa cho cuộc đời mình. Điều này phản ánh nỗi tuyệt vọng và uất ức của một con người bị bủa vây bởi nghèo đói và bất lực trong cuộc sống.

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 - 4

Câu hỏi 3: (SGK Ngữ văn 12 Tập 2 – Trang 53)

Khảo sát các tiêu đề bài viết hoặc nội dung quảng cáo chứa nghịch ngữ trên báo chí điện tử và các phương tiện truyền thông khác.

Gợi ý trả lời:

  • “Thử chết để sống tốt hơn” (Báo Người Lao Động)
  • “Có cái chết hóa thành bất tử” (Báo Thanh Niên)
  • “Ngọt ngào và cay đắng” (Báo Pháp Luật TP.HCM)
  • “Nhìn xa để hiểu gần”

=> Những tiêu đề này sử dụng biện pháp nghịch ngữ để tạo ấn tượng mạnh và thu hút sự chú ý của người đọc. Qua đó, chúng mang đến những thông điệp sâu sắc và đầy ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò và suy ngẫm về các khía cạnh đối lập trong cuộc sống.

Câu hỏi 4: (SGK Ngữ văn 12 Tập 2 – Trang 54)

Viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) về một tác phẩm văn học (hoặc một bộ phim, một ca khúc, một hiện tượng xã hội,…) mà em yêu thích. Đặt tiêu đề cho đoạn văn bằng một biểu thức nghịch ngữ.

Gợi ý trả lời:

Tiêu đề: Vấp ngã để trưởng thành

Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những lần vấp ngã. Nhưng chính những vấp ngã đó lại là nền tảng cho sự trưởng thành. Thất bại không phải là dấu chấm hết mà là bài học quý giá, giúp ta nhận ra những điều cần thay đổi và cải thiện. Như những bước đi chập chững đầu tiên của một đứa trẻ, mỗi lần ngã là một lần nó học cách đứng lên và đi vững hơn. Thất bại giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, rèn luyện ý chí kiên cường và chuẩn bị tốt hơn cho những cơ hội tiếp theo. Chính nhờ những lần vấp ngã mà chúng ta mới có thể trưởng thành và tiến gần hơn đến thành công.

Với những hướng dẫn soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 53 Ngữ văn 12 tập 2 Cánh diều chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.