Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng – Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo (Tập 2)

Hướng dẫn soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng – Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo (Tập 2) chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.

Đề bài (trang 60 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Câu chuyện mà em viết ở phần Viết đã được chọn để kể cho các bạn trong lớp nghe. Dựa vào bài viết, em hãy kể lại câu chuyện tưởng tượng của mình.

Bước 1: Xác định các yếu tố cơ bản

Người nghe: Ai là người nghe câu chuyện? Họ có những mong đợi gì từ câu chuyện của em?

Thời gian và không gian: Em có bao nhiêu thời gian để kể chuyện? Có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật (như âm thanh, ánh sáng,…) không?

Cách trình bày: Nên chọn hình thức trình bày nào phù hợp với đối tượng người nghe, địa điểm và thời gian kể?

Bước 2: Lên kế hoạch và dàn ý

Tóm tắt nội dung: Từ câu chuyện sáng tạo ở phần Viết, tóm tắt nội dung dưới dạng sơ đồ, chia thành các phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc.

Chuẩn bị phương tiện: Sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh liên quan, sơ đồ cốt truyện, nhạc nền, hoặc đoạn phim nếu cần.

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Giới thiệu: Bắt đầu bằng lời chào, giới thiệu về bản thân và tên của câu chuyện.

Ngôn ngữ và cảm xúc: Sử dụng từ ngữ phù hợp với văn nói, điều chỉnh giọng điệu và cảm xúc để phù hợp với diễn biến câu chuyện và cảm xúc của nhân vật. Giúp người nghe phân biệt giữa lời kể, đối thoại và độc thoại.

Nhấn mạnh: Làm nổi bật các chi tiết quan trọng, câu văn biểu cảm, và các đoạn đối thoại.

Dự đoán phản hồi: Chuẩn bị để trả lời các câu hỏi và phản hồi từ người nghe.

Kể một câu chuyện tưởng tượng - Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo (Tập 2) 1

Bài nói tham khảo

Xin chào cô và các bạn, em tên là Nguyễn Văn A. Hôm nay, em sẽ kể lại một câu chuyện tưởng tượng về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy và xe đạp.

Bố em là Giám đốc công ty xây dựng số 1 tại thành phố Hồ Chí Minh. Để phục vụ công việc, cơ quan đã cấp cho bố em một chiếc xe du lịch màu xanh hiệu Toyota. Mẹ em là giáo viên dạy Văn tại trường chuyên Lê Hồng Phong. Mỗi ngày, mẹ đi dạy bằng chiếc xe Honda đã cũ. Còn em thì đi học bằng chiếc xe đạp leo núi mà bố em đã tặng vào dịp Tết.

Sáng nay, vào ngày Chủ Nhật, gia đình em đều có mặt ở nhà. Sau khi ăn sáng, bố vào phòng khách để đọc báo, mẹ chuẩn bị đi chợ để mua sắm cho bữa trưa. Em ra ngoài tưới nước cho các chậu hoa trước cửa nhà để xe. Bất chợt, em nghe thấy tiếng trao đổi xì xầm. Tò mò, em đứng nép ngoài cửa để lắng nghe. Thì ra, anh ô tô, chị xe máy và cậu xe đạp đang tranh luận với nhau.

Anh ô tô với giọng nói trầm ấm và đầy tự hào nói:

Các bạn hãy nghe đây! Nếu chỉ so về vẻ ngoài, tôi rõ ràng là vượt trội. Tôi bệ vệ, sang trọng và không có gì có thể so sánh với tôi. Khi chủ nhân đi đâu, tôi luôn đảm bảo sự thoải mái tối đa, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Còn các bạn thì có thể không so sánh được với tôi. Chính vì vậy, ông chủ rất quý tôi!

Chị xe máy không chịu thua:

Anh nói cũng đúng, nhưng tôi muốn hỏi anh, ngoài việc đưa ông chủ đến sở làm hay công tác, anh còn có ích cho việc gì khác không? Còn tôi, tôi phục vụ bà chủ trong rất nhiều tình huống: từ việc đưa bà chủ đi dạy học, đi chợ, thăm bà con và nhiều việc khác. Tôi thấy mình thực sự có ích và tiện lợi hơn anh rất nhiều.

Cậu xe đạp, đứng im lặng từ lâu, giờ mới lên tiếng:

Dù tôi nhỏ bé, nhưng tôi cũng có những lợi ích của riêng mình. Tôi giúp anh Huy đi học, đi chơi và thậm chí tham gia các chuyến picnic. Khi các bạn mắc kẹt trong giao thông, tôi vẫn có thể di chuyển linh hoạt. Hơn nữa, tôi không tiêu tốn nhiên liệu hay gây ô nhiễm môi trường như các bạn.

Ô tô và xe máy nghe vậy không hài lòng. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Em bước vào và nói:

Các bạn đừng so bì như vậy! Mỗi loại phương tiện đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Mặc dù có những khác biệt, nhưng mỗi người đều có giá trị và sự hữu ích riêng. Ba mẹ tôi và tôi đều yêu quý các bạn như nhau. Các bạn có đồng ý với tôi không?

Ô tô, xe máy và xe đạp nhìn nhau với ánh mắt thân thiện và cùng cười tươi rồi đáp: Đồng ý!

Bài nói của em đến đây là kết thúc. Em rất mong nhận được góp ý từ cô và các bạn để bài trình bày của em có thể tốt hơn. Em xin cảm ơn!

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

Sử dụng Bảng kiểm kỹ năng kể một câu chuyện tưởng tượng đã học ở phần Nói và nghe, Bài 4 để tự đánh giá lại kỹ năng kể chuyện của bản thân.

Ghi lại những suy ngẫm của em về cách kể câu chuyện, dựa trên gợi ý sau:
Câu 1 (trang 61 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Ba điều em đã thực hiện tốt trong hoạt động kể một câu chuyện tưởng tượng.
Trả lời:

  • Có đủ kết cấu bài nói: phần giới thiệu, phần trình bày, phần kết thúc.
  • Có nhân vật rõ ràng và cốt truyện cụ thể.
  • Lựa chọn ngôi kể phù hợp – ngôi thứ nhất.

Câu 2 (trang 61 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Hai điều em cần khắc phục trong hoạt động kể một câu chuyện tưởng tượng.
Trả lời:

  • Cần sử dụng lời kể linh hoạt và giàu hình ảnh hơn.
  • Tăng cường lời đối thoại giữa các nhân vật để tạo sự sinh động.

Câu 3 (trang 61 SGK Ngữ văn 9 Tập 2): Một kinh nghiệm mà em rút ra cho bản thân.
Trả lời:

Kinh nghiệm rút ra: cần xác định rõ câu chuyện định kể, từ đó lựa chọn ngôi kể và xây dựng nhân vật, cốt truyện hợp lý để tạo sự thu hút và logic trong câu chuyện.

Với những hướng dẫn soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng – Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo (Tập 2) chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.