SOẠN VĂN BÀI GIỚI THIỆU VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC – SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC LỚP 11 TẬP 2
Hướng dẫn soạn bài Giới thiệu về một tác phẩm văn học – Sách kết nối tri thức lớp 11 tập 2 chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.
- Chuẩn bị nói
- Thực hành nói
Bài nói tham khảo
Xin chào các bạn, sau đây, tôi xin giới thiệu với các bạn một sống thông tin về tác phẩm Mùa xuân chín của nhà thơ Hàn Mặc Tử nhé. Đây là một tác phẩm để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng tôi về tình yêu đặc biệt tha thiết của nhà thơ dành cho cuộc sống thông qua câu chữ. Nhắc đến phong trào Thơ mới, ta không thể không nhắc đến cái tên Hàn Mặc Tử. Ông là một đại diện tiêu biểu với những sáng tác độc đáo, mang chất riêng biệt. Những tác phẩm của ông đều ẩn hiện một tình yêu tha thiết cuộc đời, thể hiện qua các ông nhìn ngắm và ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên, con người. Bài thơ Mùa xuân chín ra đời trong thời gian Hàn Mặc Tử dưỡng bệnh, đã thể hiện rất rõ tình yêu mãnh liệt ông gửi lại cuộc đời qua những dòng thơ hồi tưởng về cảnh sắc quê hương.
Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, và ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông từng học trung học ở Huế sau đó ra làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936, ông phải quay trở lại Quy Nhơn để chữa bệnh và 4 năm sau đó ông mất tại bệnh viện do bệnh phong.
Bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử được rút ra từ tập Đau thương sáng tác năm 1938, được coi là tiếng thơ trong trẻo nhất trong cuộc đời làm thơ của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là một bức tranh thôn dã, tất cả đều mang đậm vẻ xuân từ cảnh vật cho đến tấm lòng của con người. Chúng ta có thể cảm nhận được, ngay từ tên của tác phẩm đã khiến cho người đọc có một cảm giác gì đó vui tươi chứa đựng sự huyền ảo về một mùa xuân tuyệt đẹp.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên với vẻ đẹp của sắc xuân tràn ngập
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”.
Đó là sắc vàng của ánh nắng sớm, là đôi mái hiên lấm tấm vàng của nước và ánh nắng, khung cảnh ấy tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân giản dị nhưng rất đỗi gần gũi. Đặc biệt là hình ảnh “sột soạt” của tiếng gió thổi vào tà áo, đây được cho là một cách miêu tả âm thanh rất đỗi đẹp và hay. Qua con mắt trữ tình của tác giả, chỉ là gió thổi tà áo, nhưng tác giả đã thổi hồn vào sự vật, nhân cách hóa nó, để tưởng chừng như gió đang trêu tà áo, điều đó tạo nên một cảm giác vui tươi khó tả, sự hứng khởi của một mùa xuân đến. Giàn thiên lý lấp ló sau bóng xuân tạo nên một khung cảnh mãn nhãn, khiến người đọc không khỏi trầm trồ mà tưởng tượng ra được một khung cảnh thiên nhiên đẹp và mê người đến thế.
Từ gần, tác giả phóng tầm mắt ra xa mà ngắm nhìn thiên nhiên đất trời mới thấm hết sự tươi đẹp của nó “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Nó gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cảnh vật dường như cũng đẹp như vậy “Cỏ non xanh tận chân trời”. Sức sống đang tràn ngập muôn nơi, con người cũng vậy, cũng hòa mình vào sức sống mãnh liệt đó của đất trời.
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
Mọi người đang hòa mình vào khung cảnh ngày xuân, cũng chính là đang đắm mình trong hạnh phúc của cuộc đời. Đó là hình ảnh những cô thôn nữ còn “xuân xanh”, họ đều trẻ trung, xinh đẹp như mùa xuân, đang đắm mình trong hạnh phúc, có cả hạnh phúc lứa đôi (theo chồng). Tiếng hát của họ vang vọng vào không gian, mang theo cả khát vọng của chính họ đến cuộc đời.
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”
Trong cái sắc xuân tuyệt đẹp ấy của lứa tuổi đẹp nhất, họ đang trò chuyện, tâm tình với người mình thương, giãi bày nỗi lòng của mình. Đó cũng là mong muốn, niềm tiếc nuối của tác giả, phải chăng anh cũng đang đợi người thương của mình, cũng muốn một lần được đắm mình vào mùa xuân ấy, được yêu thương và hạnh phúc. Để rồi, tác giả buồn rầu mà bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình trước khí xuân vui tươi ấy:
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.”
Người khách ấy, trong khung cảnh tuyệt đẹp này dưỡng như bóng dáng quê hương hiện ra trước mắt anh. Anh nhớ họ, nhớ những sự vật nhỏ bé nhưng gần gũi, thân thương, mong muốn được một lần trở về, thăm người con gái thân quen ấy. Tất cả đều hiện ra trước mắt tác giả nhưng đó chỉ còn là những kỉ niệm về những ngày tháng bình yên, êm ấm khiến tác giả không thể nào quên được
Dù sử dụng thể thơ dựa trên thất ngôn Đường luật, nhưng bằng tài năng của mình, tác giả khiến ý thơ, lời thơ trở lên gần gũi, không khô cứng, khó hiểu mà ngược lại khiến người đọc cảm thấy hay, dễ hiểu. Với nhịp thơ 4/3 được sử dụng nhịp nhàng tác giả không chỉ làm nổi bật được khung cảnh mùa xuân mà còn làm nổi bật được nỗi lòng của chính minh cùng với những câu thơ trừu tượng, hình ảnh sinh động, gần gũi, mang theo sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo nhưng ẩn sâu trong đó là tình cảm của một người xa quê với nỗi nhớ da diết, khôn nguôi.
Như vậy, có thể nói bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của hồn thơ Hàn Mặc Tử, thể hiện rõ chất thi sĩ, tâm hồn bay bổng của một người luôn khao khát được sống, được tận hưởng một cuộc đời đẹp đẽ, vui tươi, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Trên đây là toàn bộ bài trình bày của tôi trong việc giới thiệu một tác phẩm văn học. Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn để bài giới thiệu được hoàn thiện hơn.
- Trao đổi, đánh giá
Với những hướng dẫn soạn bài Giới thiệu về một tác phẩm văn học- Sách kết nối tri thức lớp 11 tập 2 chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.