Soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện – Ngữ văn 12 tập 1 – Kết nối tri thức, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về bài học này.

So sánh hai tác phẩm văn học nhằm làm rõ một quy luật chung nào đó hay để nhìn nhận sâu hơn giá trị của từng tác phẩm là công việc quen thuộc của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Trong nhà trường phổ thông, điều đó cũng cần được thực hiện ở mức độ phù hợp vì nó có thể giúp bạn rèn luyện khả năng liên hệ, kết nối, huy động kiến thức, thiết lập cái nhìn tổng quan khi đi vào khám phá thế giới tác phẩm văn học. Ở bài học này, trước hết, bạn sẽ được làm quen với công việc nêu trên qua việc viết một bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện.

Yêu cầu

– Nêu được mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện.

– Trình bày được các thông tin khái quát về hai tác phẩm truyện.

– Làm rõ được những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm truyện xét trên một số phương diện nội dung và hình thức cụ thể theo mục đích và phạm vi đã xác định.

– Rút ra được những nhận xét, đánh giá cần thiết, phù hợp về hai tác phẩm truyện căn cứ vào kết quả so sánh.

– Nêu được ý nghĩa của việc đánh giá hai tác phẩm truyện thông qua việc so sánh.

Thực hành các yêu cầu sau khi đọc bài viết tham khảo

Câu 1 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Cơ sở của việc lựa chọn so sánh hai tác phẩm Mảnh trăng cuối rừngNhững đứa con trong gia đình là gì?

Trả lời:

Cơ sở: Viết về cùng đề tài, tiêu biểu cho những cách tiếp cận hiện thực chiến tranh của văn học trong một giai đoạn cụ thể.

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tác giả bài viết đã xác định mục đích so sánh hai tác phẩm như thế nào?

Trả lời:

Mục đích: Sự thống nhất trong cảm hứng của hai nhà thơ, đồng thời thể hiện được những phong cách, dấu ấn riêng của hai nhà thơ

Câu 3 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Các phương diện cơ bản nào của hai tác phẩm đã được đưa ra so sánh?

Trả lời:

Các phương diện: xuất xứ, bối cảnh câu chuyện, cốt truyện, nhân vật,…

Câu 4 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Đánh giá nào về đặc điểm, giá trị của từng tác phẩm được nảy sinh trên cơ sở so sánh?

Trả lời:

Những tác phẩm đều mang những dấu ấn thời đại vô cùng rõ nét.

Thực hành viết theo các bước

  1. Chuẩn bị viết

Gợi ý một số tác phẩm truyện có thể làm thành đối tượng so sánh của bài viết: Hoàng tử bé của Ăng-toan đơ Xanh-tơ – Ê-xu-pe-ri (Antoine de Saint – Exupéry) và vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng và Thời thơ ấu của Mác – xim Go – rơ – ki (Maksim Gorky), Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao, Vợ Nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài…

Xác định mục tiêu:

– Hai tác phẩm có phải là những “mẫu” tiêu biểu, cho phép việc so sánh đạt được kết quả cần thiết hay không?

– Hai tác phẩm có những điểm gì khiến người đọc dễ liên hệ chúng với nhau?

– Bài viết có thể ưu tiên nhấn mạnh sự tương đồng hoặc chỉ tập trung nói về sự khác biệt giữa hai tác phẩm.

  1. Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Để tìm ý cho bài văn so sánh, em cần thực hiện các bước sau:

– Vì sao khi đọc truyện này độc giả thường liên hệ đến truyện kia? (Xác lập cơ sở để so sánh hai tác phẩm truyện với nhau, giúp người viết có thể mở bài một cách thuận lợi).

– Sự tương đồng giữa hai truyện thể hiện trên những phương diện  chủ yếu nào? (Lựa chọn các phương diện chủ yếu cần so sánh ở hai tác phẩm.)

– Điều gì dẫn đến sự “gặp gỡ” đó giữa hai tác phẩm truyện? (Vừa đi sâu cắt nghĩa nguyên nhân của sự tương đồng, vừa tạo được sự gắn kết giữa các đoạn viết về từng sản phẩm.)

– Dù có những điểm tương đồng, sự khác biệt giữa hai truyện vẫn thể hiện rõ. Sự khác biệt đó là gì? (Tìm ra nét độc đáo của từng tác phẩm.)

– Việc so sánh đưa lại được những khám phá mới nào về từng tác phẩm? (Ý nghĩa của việc so sánh hai tác phẩm truyện với nhau.)

Lập dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm truyện được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá, nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

– Thân bài: Cần triển khai các ý:

+ Thông tin chung về từng sản phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,..

+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy.

+ Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy.

– Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

  1. Viết bài

So sánh hai đoạn kết truyện “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ”

Kim Lân và Tô Hoài đều là những tác giả nổi bật của văn học Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt qua các tác phẩm phản ánh cuộc sống và số phận của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Dù viết về những hoàn cảnh khác nhau, cả “Vợ nhặt” của Kim Lân và “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đều kết thúc bằng những chi tiết mở, thể hiện niềm hy vọng vào sự thay đổi và giải thoát. Kết truyện không chỉ khép lại câu chuyện mà còn phản ánh những tư tưởng sâu sắc và mở ra con đường mới cho các nhân vật.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân viết về cuộc sống của người nông dân trong nạn đói năm 1945. Nhân vật chính, Tràng, là một người đàn ông nghèo khổ, bất ngờ có vợ trong bối cảnh nạn đói hoành hành. Kết truyện để lại ấn tượng mạnh với hình ảnh bữa cơm thảm hại của gia đình Tràng: “có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo” cùng tiếng trống thúc thuế dồn dập. Trong đầu Tràng, hiện lên hình ảnh của những dòng người “ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp, đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.”

Kết thúc của “Vợ nhặt” phản ánh hiện thực cuộc sống Việt Nam thời kỳ đó. Sau nạn đói 1945, đất nước chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, với phong trào đi phá kho thóc Nhật để chia cho dân nghèo. Các nhân vật, mặc dù sống trong đói khát và cái chết rình rập, đã nhận thức được kẻ thù và tìm thấy con đường đấu tranh. Kết thúc mở của truyện gợi ý rằng cuộc đời Tràng sẽ thay đổi nếu tiếp cận được ánh sáng Cách mạng, với hình ảnh “lá cờ đỏ” làm nền tảng cho niềm tin vào sự đổi thay.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài mô tả cuộc sống khốn khổ của người dân Tây Bắc, đặc biệt là Mị và A Phủ. Mị là cô dâu gạt nợ bị đày đọa, còn A Phủ là người làm thuê cho nhà thống lý. Kết thúc truyện là chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng anh trốn khỏi cuộc sống nô lệ. Sau đó, hai người cùng nhau chiến đấu để bảo vệ quê hương dưới ánh sáng của cách mạng.

Kết truyện “Vợ chồng A Phủ” thể hiện sự giải thoát và tự nhận thức của các nhân vật. Mị nhận thức được quyền sống và tự do của mình qua dòng nước mắt của A Phủ và quyết định giải thoát cho cả hai. Hành động của Mị không chỉ giải thoát A Phủ mà còn là sự giải thoát cho chính mình, và hai nhân vật cùng nhau “lao chạy xuống dốc núi” để thoát khỏi sự thống trị phong kiến.

Cả hai kết thúc truyện đều mở ra một tương lai mới cho các nhân vật. Trong “Vợ nhặt,” hình ảnh “lá cờ đỏ” và đoàn người đi phá kho thóc gợi mở một tương lai hy vọng dưới ánh sáng của cách mạng, mặc dù kết thúc không rõ ràng về con đường của Tràng. Ngược lại, “Vợ chồng A Phủ” kết thúc với hành động giải thoát rõ ràng, thể hiện sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do của các nhân vật.

Mặc dù cả hai truyện đều có kết thúc mở với niềm hy vọng vào một tương lai mới, cách thức thể hiện sự giải thoát và khát vọng tự do của các nhân vật là khác nhau. “Vợ nhặt” mở ra một tương lai tươi sáng thông qua hình ảnh cách mạng, còn “Vợ chồng A Phủ” thể hiện sự giải thoát trực tiếp từ hành động của nhân vật. Cả hai kết thúc đều thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc của các nhà văn đối với số phận của người nông dân và mở ra một triển vọng mới cho cuộc sống của họ.

Tóm lại, Kim Lân và Tô Hoài đều thành công trong việc thể hiện niềm tin vào sự thay đổi và giải thoát qua những cái kết mở của “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ,” dù phương pháp và bối cảnh có sự khác biệt rõ rệt.

  1. Chỉnh sửa, hoàn thiện

– Đối chiếu với yêu cầu của bài và dàn ý đã lập để thực hiện những chỉnh sửa cần thiết nhằm hoàn thiện văn bản về mặt nội dung.

– Rà soát, khắc phục những lỗi về chính tả, diễn đạt và trình bày để bài viết đáp ứng được những đòi hỏi về chuẩn mực hình thức.

Với những hướng dẫn soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện – Ngữ văn 12 tập 1 – Kết nối tri thức như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.