Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Hướng dẫn Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.

  1. Hướng dẫn chung

Đọc lại các văn bản và bài học ở phần văn học để nắm được giá trị nội dung.

– Ôn tập lại các kĩ năng

  1. Gợi ý một số đề bài.

Đề 1 (trang 53 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Cảm nghĩ của anh chị về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác).

Dàn ý:

* Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Lê Hữu Trác và đoạn trích tiêu biểu.

– Khái quát giá trị hiện thực đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”.

* Thân bài:

  1. Giải thích giá trị hiện thực là gì?

– Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo của tác giả mà hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau.

  1. Giá trị hiện thực được biểu hiện trong đoạn trích
  2. Bức tranh hiện thực về quang cảnh nơi phủ chúa:

=> vô cùng xa hoa, giàu sang (dẫn chứng)

  1. Phản ánh hiện thực cuộc sống sinh hoạt nơi phủ chúa

– Uy quyền và sự lộng hành của chúa Trịnh lấn át cả cung vua.

– Nghiêm ngặt và thủ tục.

  1. Nét nghệ thuật thể hiện thành công giá trị hiện thực của đoạn trích

– Thể kí: ghi chép sự thật

– Ghi chép tỉ mỉ, chi tiết, chân thực sự việc

– Kết hợp ghi chép sự việc một cách chính xác với bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc

* Kết bài:

– Khẳng định giá trị hiện thực tiêu biểu của đoạn trích.

– Cảm nghĩ của bản thân.

Bài làm tham khảo

Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác ngoài việc là một thầy thuốc nổi tiếng với tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, thì bản thân ông cũng là một người có tài văn chương, với những đóng góp đáng ghi nhận trong nền văn học Việt Nam. Một trong những cuốn  nổi tiếng nhất trong bộ sách trên của ông đó là Thượng kinh ký sự. Ở đó ta sẽ có cơ hội được nhìn lại lịch sử Việt Nam thê kỷ 18, một thời kỳ mà ở đó có sự phân tranh gay gắt giữa vua Lê và chúa Trịnh.

Người ta ví rằng một triều đình có hai hoàng cung cùng song song tồn tại, điều đó đã đẩy cuộc sống nhân dân vào cảnh khốn cùng. Ta sẽ được tìm hiểu về một trong hai hoàng cung quyền uy, xa hoa tột bậc đó, chính là phủ chúa Trịnh qua lời của Lê Hữu Trác trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

Lê Hữu Trác (1724-1791), hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê cha ở Trấn Hải Dương (Hưng Yên), quê mẹ ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông vừa là một danh y lỗi lạc, vừa là một nhà văn tài hoa. Tác phẩm của ông chỉ có một bộ duy nhất là Hải Thượng y tông tâm lĩnh, rất đồ sộ, là tâm huyết của cả cuộc đời ông viết trong gần 40 năm trời bền bỉ.

Thượng kinh ký sự là quyển vĩ của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, viết nhân sự kiện chúa Trịnh Sâm mời Lê Hữu Trác ra kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, cuốn sách chính là kết quả của chuyến đi này.

Bằng những quan sát rất tinh tế của mình, Lê Hữu Trác đã tái hiện một cách rất sinh động bức tranh hiện thực nơi phủ chúa Trịnh. Ông tự đặt mình vào vị trí của một vi thầy thuốc nhà quê, một người dân lao động lần đầu tiên được bước chân vào phủ Chúa, để diện kiến bề trên, để thực sự thấy được cái cuộc sống xa hoa tột độ của giai cấp thống trị thời bấy giờ là như thế nào. Đây thật sự là cái nhìn của một bậc trí thức lương tâm và trung thực.

Tác giả quan sát sự vật theo trình tự không gian và thời gian, đi từ ngoài vào trong. Trước hết ấn tượng đầu tiên của Lê Hữu Trác là cảnh vật tươi đẹp nơi phủ Chúa: “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đưa thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”, rồi thì quang cảnh rộng lớn, đẹp mắt, “những dãy hành lang quanh co nối tiếp”, cảnh người qua lại nhộn nhịp “như mắc cửi”.

Chỉ mới bấy nhiêu thôi đã khiến cho Lê Hữu Trác, vốn lớn lên trong nhung gấm, giàu sang cũng phải mở rộng tầm mắt mà âm thầm cảm thán “cảnh giàu sang của vua chúa thực khác người thường!”. Trong đôi mắt của một thầy thuốc quê mùa, phủ Chúa thực chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh, “ngư phủ đào nguyên” cả, thực tươi đẹp không kể xiết.

Thế rồi khi bước vào nội cung, Lê Hữu Trác mới biết được cái cung cấm giàu sang nghiêm ngặt đến như thế nào. Khắp nơi nơi là đình đài, lầu các cao rộng, cảnh cung cấm được sơn son thếp vàng tỉ mỉ, rực rỡ, chưa kể những đồ vật bày biện bên trong toàn là những thứ “nhân gian chưa từng thấy”.

Rồi thì không khí ngào ngạt các mùi hương thơm của nến, của hoa nhưng lại mang đến cảm giác tù đọng, ngột ngạt vô cùng, thứ nhất là vì cái không khí thâm nghiêm, thứ hai là vì cái vẻ tráng lệ xa hoa phi thực quá mức, khiến cho mọi thứ không còn giữ được vẻ đẹp tự tại ban đầu.

Như vậy, qua đôi mắt quan sát tinh tường của Lê Hữu Trác ta đã thấy quang cảnh phủ Chúa hiện lên một cách chân thực và sinh động. Đó là một nơi xa hoa, tráng lệ, rực rỡ, không một nơi nào có thể sánh bằng, tuy nhiên cái đẹp vượt quá mức thường khiến cho cuộc sống vương giả trở nên ngột ngạt, tù hãm, dường như mất đi cái phần sinh khí tự nhiên của sự sống.

Đó là về cảnh sắc, về cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa ta lại càng thấy được cái mức độ xa xỉ tột cùng của đấng bề trên lúc bấy giờ. Một mâm cơm để mời các ngự y mà cái chén cái bát nào cũng bằng vàng, bằng bạc, đồ ăn thì toàn của ngon vật lạ, Lê Hữu Trác thầm nghĩ “bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia”.

Rồi thì đường vào phòng bệnh của thế tử tuyệt nhiên chẳng có một cái cửa nào, mà được phủ bởi năm sáu lần trướng gấm, cách biệt với bên ngoài. Trong phòng chỉ có một thế tử cùng với chúa vậy mà một đám người hầu, rồi lại một đám cung nhân chầu trực dù chẳng mấy khi có việc cần.

Cũng chính cái lối sống, sung sướng xa hoa tột độ, nhưng ngột ngạt tù túng ấy đã khiến một đứa trẻ mới năm sáu tuổi mắc bệnh nặng. Lúc này đây màn che trướng phủ, sơn hào hải vị, lụa là gấm vóc lại cũng đang khiến con người ta trở nên bệnh tật, thế mới có câu cái gì quá cũng không tốt, là vậy.

Rồi thì căn nguyên bênh tật của thế tử cũng là lời sâu xa của Lê Hữu Trác về tình hình đất nước lúc bấy giờ, “nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức”, khó có thể chữa chạy. Ông đắn đo rất nhiều trong lúc chữa bệnh cho thế tử, không phải là không chữa được mà cốt là ông sợ mình bị giữ chân, bị cuốn vào cái vòng danh lợi luẩn quẩn không thể thoát thân được.

Cuối cùng, ông kê một phương thuốc hòa hoãn cho thế tử, bệnh sẽ khỏi nhưng lại không hết ngay và ông có thể an tâm rút về núi tiếp tục hành nghề mà không phải hổ thẹn với ơn nghĩa quốc gia bao đời.

Đoạn trích có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh cái lối sống xa xỉ, hoang dâm vô đạo của phủ Chúa, chèn ép nhân dân bởi sưu cao thuế nặng, chỉ vì phục vụ cho cuộc sống xa hao tột bậc của chúng, để nhân dân phải sống trong cảnh lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng hay.

Lúc này đây cảnh cung cấm tráng lệ nơi phủ Chúa chính là nỗi đau của của nhân dân, là cái xiềng xích đang ngày đêm đang áp lên đôi vai gầy của những người dân cùng khổ. Đồng thời đoạn trích cũng là tấm lòng coi thường danh vọng của Lê Hữu Trác, vị danh y ấy chỉ yêu tha thiết cái cảnh thanh bình, tự do nơi quê nhà, được hành y cứu người. Còn cái cuộc sống tuy xa hoa, sung sướng kia tuy hào nhoáng như rốt cục cũng phải chịu luồn cúi, khuôn phép thì có hay ho gì đâu.

Đề 2 (trang 53 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Dàn ý:

* Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận.

– Đề tài người phụ nữ là đề tài mà không nhiều các tác giả văn học trung đại đề cập.

– Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa đã được khắc họa rõ nét

* Thân bài:

Luận điểm 1: Số phận người phụ nữ Việt Nam xưa.

+ Số phận nhiều vất vả, cơ cực, nhiều lo toan, bươn chải (Thương vợ).

+ Số phận hẩm hiu, dở dang (Tự tình II).

+ Số phận long đong, chìm nổi, không có quyền tự định đoạt cuộc sống của mình (Bánh trôi nước).

Luận điểm 2: Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam xưa.

+ Khẳng định dù số phận nhiều cay đắng nhưng họ vẫn giữ những phẩm chất đẹp đẽ.

+ Đức hi sinh, sự tần tảo.

+ Khao khát hạnh phúc chính đáng.

Kết bài:

– Khẳng định vấn đề cùng tài năng tác giả.

– Đề cao giá trị nhân đạo.

Bài làm tham khảo

Đề tài người phụ nữ luôn là một đề tài được nhiều nhà văn nhà thơ quan tâm và yêu thích. Ở họ có những phẩm chất vô cùng quý báu đó là sự khao khát yêu thương và hạnh phúc thế nhưng luôn bị những thế lực bạo tàn chèn ép và xô đẩy. Nó đã trở thành những nguồn cảm hứng dạt dào bất tận cho nhiều thi nhân. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Bánh trôi nước, Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Những bài thơ trên hình ảnh người phụ nữ hiện lên không chỉ có vẻ đẹp về hình thức mà quan trọng nhất đó chính là những phẩm chất cao quý về tài năng nhân phẩm và khát vọng châ chính về quyền sống quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Miêu tả vẻ đẹp bên ngoài của họ nhà thơ Hồ Xuân Hương đã có những vần thơ viết trong bài Bánh trôi nước như sau:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp trắng tròn, mịn màng xinh xắn khiến người ta liên tưởng đên hình ảnh những người con gái đương độ xuân  sắc. Cụm từ vừa trắng lại vừa tròn phần nào gợi tả thật khéo léo vẻ đẹp đó. Không chỉ về hình thức mà còn có phẩm chất vô cùng thanh tao:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Tấm lòng son chính là tấm lòng son sắt vẹn nguyên, trung trinh dù có phải trải qua bao nhiêu phong ba bão táp bao nhiêu biến cố của cuộc đời. Hình ảnh ẩn dụ so sánh ngầm tấm lòng son vừa là nhân bánh trôi vừa là tâm hồn thanh tao của người phụ nữ. Tác giả Hồ Xuân Hương đã vô cùng khéo léo khi sử dụng đại từ em ở mở bài và kết bài để diễn tả sự mỏng manh yếu đuối nhưng cũng đầy khiêm tốn của mình.

Còn trong bài thơ Thương vợ của nhà thơ Trần Tế Xương phẩm chất cao quý và tình yêu thương của một người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con

“Quanh năm buôn bán ở mom sống

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Câu thơ nhằm nói lên hết những nỗi đắng cay truân chuyên trong cuộc đời của bà Tú. Mom sông đã trọn vẹn nói lên sự chông chênh trong cuộc mưu sinh của bà. Bốn bề chênh vênh số phận của bà cũng trở nên đầy nhọc nhằn đã thế lại phải gánh nặng thêm năm con với một chồng.

Nhà thơ khéo léo khi chia câu thơ thành hai vế “năm con” với “một chồng”. Mình ông Tú đã phải bằng năm miệng ăn của năm đứa con vì ông còn phải bút, sách, nghiên mực. Thế nhưng cho dù có bao nhiêu vất vả bao nhiêu sóng gió thì người phụ nữ tần tảo ấy vẫn vẹn nguyên chữ kiên trung không một lời oán thán cuộc đời hay số phận. Phẩm chất của bà cũng chính là vẻ đẹp đại diện cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

Bên cạnh đó trong tác phẩm tự tình 2 nhà thơ Hồ Xuân Hương có những vần thờ ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Nó không chỉ hết lòng vì chồng vì con son sắt thủy chung mà còn vô cùng cứng rắn dám vượt qua hết tất cả những nỗi đau, nỗi vất vả.

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đấm

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.

Hình tượng thiên nhiên vô cùng dữ dội và có nét gì đó vô cùng nổi loạn cũng giống như sự bướng bỉnh không chịu khuất phục của người phụ nữ. Những số phận tưởng chừng bé nhỏ thấp hèn như hương đồng cỏ nội thế nhưng nó cũng tiềm ẩn trong đó một tâm hồn cứng rắn sắt đá. Phải chăng nhà thơ Hồ Xuân Hương còn chứa đựng trong đó một sự bất mãn với thời cuộc với xã hội với lề lối phong kiến đang trà đạp nên hạnh phúc con người.

Vất vả gian truân là thế thế nhưng dường như chưa bao giờ họ có quyền được than vãn chưa bao giờ có quyền được bộc lộ mình. Họ sống nép mình ẩn dật bởi cái xã hội phong kiến với định kiến nặng nề đó trói buộc họ. Họ hoàn toàn không có quyền làm chủ số phận của mình:

“Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

Người phụ nữ thời xưa là vậy họ phải tuân thủ ngặt nghèo quy luật của lễ giáo phong kiến. Chuyện chung thân đại sự hay chuyện cuộc đời với họ hoàn toàn không nằm trong tay họ mà do người khác sắp đặt, Lấy chồng thì theo chồng, phải chịu cảnh năm thê bảy thiếp, cực khổ trăm bề.

Chả vì thế mà Hồ Xuân Hương đã đau xót mà rằng:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh đồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Không phải ngẫu nhiên mà ba tác phẩm này lại được đặt chung cho một chỗ. Vì nó đều nói lên hình ảnh người phụ nữ thời xưa. Những con người đầy lòng yêu thương, đầy sự hi sinh nhưng chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Số phận của họ trở nên vô cùng mong manh và bi đát.

Số phận người phụ nữ luôn là đề tài không bao giờ vơi cạn với thi sĩ. Nó giống như một kho tàng phong phú để thi nhân sáng tạo và khơi nguồn. Thế nhưng dù có trải qua bao nhiêu đau khổ thì những tâm hồn đó vẫn sáng đẹp và tỏa hương giữa cuộc đời.

Đề 3 (trang 53 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Nhân cách nhà nho chân chính trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát hoặc “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.

Dàn ý:

* Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả và phong cách sáng tạo.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Bài ca ngất ngưởng đã khẳng định nhân cách nhà nho chân chính.

* Thân bài:

  1. Làm rõ vấn đề “nhân cách nhà nho chân chính”:

– Nhân cách: phẩm cách, phẩm đức, phẩm hạnh con người

– Nhà nho chân chính: Nhà nho sống với những nguyên tắc, chuẩn mực, của bản thân, không làm trái với lương tâm, dám khẳng định tài năng và bản lĩnh của mình

  1. Nhân cách nhà nho chân chính trong văn bản

– Dám thể hiện bản lĩnh, đem tài năng cống hiến chốn quan trường.

– Có phong cách lối sống tự nhiên, ung dung tự tại

– Mang trong mình đạo lí trung quân, sống chân chính với tài năng và quan niệm của mình

* Kết bài:

– Khái lược về nội dung và nghệ thuật.

– Suy nghĩ bản thân về vấn đề.

Bài làm tham khảo

Nhắc đến nhà nho là nhắc đến niềm hoài cổ một thời vang bóng. Tuy ở xã hội hiện đại nó chỉ là hoài niệm thế nhưng có một giai đoạn rất dài nó trở thành niềm tự hào của rất nhiều thế hệ. Và không thể phủ nhận một điều rằng giá trị nhân cách ấy vẫn tỏa sáng vĩnh hằng trong mỗi người. Chúng ta càng thấm thía hơn khi đọc Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát và Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ, nhân cách nhà nho chân chính được tái hiện vô cùng cụ thể và lay động.

Nhân cách ở đây đó chính là tư cách phẩm giá của mỗi con người. Nhà nho là những người có tri thức thời xưa, theo nho học đọc sách thánh hiền và được thiên hạ vô cùng kính nể. Họ nhìn chung là những người rất hiểu lễ giáo có ích cho đất nước và cho thiên hạ.

Đầu tiên ta có thể cảm nhận sự cộng hưởng và điểm chung giữa nhân cách nhà nho chân chính mà hai tác giả đề cập đến đó là quan điểm về con đường danh lợi. Song mỗi tác giả lại có một cách bộc lộc khác nhau. Nếu Cao Bá Quát thốt lên mà rằng :

“Bãi cát dài bãi cát dài ơi

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi”

Phải chăng bản thân vì quá lận đận vớ con đường danh lợi cho nên nhà thơ mới trở nên bi quan đến thế? Ông không còn khao khát mà chán nản khi nhắc đến nó. Bởi vì với ông con đường ấy quá gập ghềnh trắc trở. Ông là người có tài, kiến thức uyên thâm thế nhưng có lẽ sự mục rũa của  thời đại đã hủy hoại đi một con người. Với cách sử dụng hình ảnh tượng trưng bãi cát dài vô cùng sâu sắc, người đi trên bãi cát cũng vô cùng tinh tế.

Con đường danh lợi dài đằng đẵng khó đi và lắm vất vả, mệt mỏi… Giọt nước mắt không chỉ khóc thương cho bao năm dài miệt mài đèn sách mà quan trọng hơn nó còn xót thương cho một xã hội suy đồi và thối nát. Còn đối với Nguyễn Công Trứ ông lại cảm nhận theo một cách khác:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông HI Văn tài bộ đã vào lồng”

Nguyễn Công Trứ vô cùng thành công trong con đường công danh sự nghiệp thế nhưng ông cũng không vì thế mà đề cao con đường làm quan. Thậm chí Nguyễn Công Trứ cũng cảm thấy gò bó ở chốn quan trường. Điều đó được thể hiện rất rõ qua từ “vào lồng”. Có lẽ sống trong thời bất giờ chí làm trai mong muốn làm quan và việc học hành thi cử là để vinh quanh. Có thể với nhiều người có lẽ sẽ phê phán con đường ấy nhưng đặt trong hoàn cảnh bấy giờ thì họ chẳng còn ngã rẽ nào cho mình cả.

Thế nhưng đối với Cao Bá Quát ông đã thể hiện một phong cách riêng. Không cần cứ phải bon chen vất vả trên con đường ấy. Nếu không có nó thì sẽ có một lối rẽ khác. Đừng để danh lợi nhấn chìm chính bản thân bạn mà hãy dũng cảm vượt qua nó. Và có thể nói trong xã hội bấy giờ Cao Bá Quát là một con người vô cùng tiến bộ khi đã đề cao sự hạnh phúc. Còn đối với Nguyễn Công Trứ ông lại có cách thể hiện mình khác

“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nen dạng tằn bi

Gót tiên đủng đỉnh một đôi gì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

Nguyễn Công Trứ đã thể hiện mình vô cùng ngất ngưởng. Ông luôn tạo nên những sự khác biệt không giống ai. Ông tự hào về những gì mà mình đã đạt được và cho nó là hơn người khác. Hơn thế nữa  ông còn thể hiện một lối sống vô cùng phóng khoáng vượt lên trên tất cả những lời đồn thổi tầm thường sống không cần để ý đến xung quanh.

Thế nhưng hình ảnh của ông sống mãi trong lòng người dân với hình ảnh vô cùng tốt đẹp và đáng khâm phục. Càng đáng quý hơn đó là đã dám đứng lên thể hiện cái tôi cá nhân của mình, bản ngã của chính mình.

Vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính qua hai tác phẩm bài ca ngắn đi trên bãi cát và bài ca ngất ngưởng thể hiện vô cùng thành công. Mỗi tác giả tuy có một cách thể hiện riêng song nó đều thể hiện được tâm hồn  của kẻ sĩ và tạo thành dấu ấn độc đáo trong lòng độc giả mãi sau này.

Với những hướng dẫn Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.