Soạn bài Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

Hướng dẫn soạn bài Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện – Ngữ văn 12 tập 1 – Kết nối tri thức , đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về bài học này.

1.Chuẩn bị nói

a.Lựa chọn đề tài

– Đề tài của bài nói có thể là đề tài của bài viết được bạn thực hiện trước đó. Nếu vậy, bạn cần đọc lại bài viết, rút gọn bài viết thành một dàn ý bài nói, có điều chỉnh theo hướng phù hợp với hoạt động nói và nghe.

– Nếu bạn chọn đề tài mới thì việc chuẩn bị phải công phu hơn. Bạn cần thực hiện nghiêm túc quy trình: Chọn đọc hai tác phẩm phù hợp -> so sánh -> hình thành luận điểm đánh giá về từng tác phẩm trên cơ sở so sánh -> xây dựng dàn ý bài nói (viết trên giấy hay thể hiện bằng các slide dùng để trình chiếu).

b.Tìm ý và sắp xếp ý

– Bám sát các yêu cầu về hoạt động nói và nghe của bài học đã nêu ở trên để tự đặt ra những câu hỏi tìm ý phù hợp.

– Ý nói về “cách thức đã thực hiện khi so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện” cần bao gồm các thông tin: bạn đã tập trung chú ý phương diẹn e nào của hai tác phẩm được đưa ra để so sanh? Việc lập phiếu ghi chép các dự liệu cần thiết được tiến hành ra sao?

– Các ý cơ bản của bài nói có thể được sắp xếp theo hình thức tuyến tính hoặc được tổ chức dưới dạng một bảng so sánh hay được thể hiện bằng sơ đồ tổng hợp.

c.Thực hành nói

– Bài nói tuân thủ dàn ý đã chuẩn bị với kết cấu gồm ba phần: Mở đầu, Triển khai, kết luận. Trong khi nói, có thể đưa thêm những ý tưởng mới nảy sinh nhưng tránh sa đà.

– Cần giúp người nghe hiểu rõ mục đích của việc so sánh hai tác phẩm truyện với nhau, thường xuyên quan tâm trả lời câu hỏi: so sánh để làm gì?

– Nêu điều kiện cho phép, nên sử dụng bảng hay sơ đồ so sánh hoặc trình chiếu các slide, giúp người nghe có được cái nhìn tổng quan về nội dung trình bày.

2.Bài tham khảo

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………………. Học sinh lớp….. Trường ………………………….

Hôm nay, tôi xin trình bày về hai tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài và Kim Lân, những nhà văn đã ghi dấu ấn sâu đậm trong văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các tác phẩm “Vợ Nhặt” và “Vợ Chồng A Phủ” của họ không chỉ phản ánh cuộc sống khó khăn của người nông dân Việt trước Cách mạng tháng Tám mà còn mở ra những khía cạnh mới trong văn học qua kết thúc mở, đầy hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân vật.

Cả “Vợ Nhặt” và “Vợ Chồng A Phủ” đều thể hiện sự sáng tạo và cảm xúc sâu sắc của các tác giả. Trong khi Kim Lân tập trung vào nỗi đau khổ của người nông dân trong nạn đói năm 1945, Tô Hoài lại khắc họa cuộc sống gian khổ của người dân vùng núi Tây Bắc. Mặc dù chủ đề và phong cách của hai tác phẩm có sự khác biệt, nhưng cả hai đều thể hiện sự đồng cảm và sự tôn trọng đối với số phận của người nông dân nghèo. Điều này được thể hiện rõ nét qua những cái kết mở của chúng.

Tác phẩm “Vợ Nhặt” của Kim Lân, được viết vào năm 1954, miêu tả cuộc sống của người nông dân Bắc Bộ trong nạn đói năm 1945. Nhân vật chính, Tràng, sống trong cảnh nghèo khổ ở xóm Ngụ Cư, đã bất ngờ lấy vợ trong lúc nạn đói đang hoành hành. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh bữa cơm đạm bạc của gia đình Tràng: “chỉ có một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”, cùng với âm thanh tiếng trống thuế vang vọng. Trong tâm trí Tràng hiện lên hình ảnh của những đoàn người “kéo nhau đi trên đê Sộp, với lá cờ đỏ lớn.”

Kết thúc của “Vợ Nhặt” phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam vào thời điểm đó. Năm 1945, người dân chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống chính quyền, và phong trào phá kho thóc Nhật đang dâng cao. Cuộc đói là kết quả của chính sách cướp bóc của thực dân Pháp và cải cách “nhổ cỏ trồng đay” của Nhật. Dưới áp lực của cái chết, người nông dân đã nhận thức được kẻ thù và tham gia vào cuộc đấu tranh. Dù không rõ Tràng có tham gia cách mạng hay không, cái kết mở này gợi ý về một sự thay đổi tích cực trong cuộc đời của nhân vật và hàng triệu người nông dân khác.

Ngược lại, trong “Vợ Chồng A Phủ,” Tô Hoài đưa người đọc vào cuộc sống cực khổ của người nông dân vùng Tây Bắc. Mị và A Phủ, hai nhân vật chính, đều sống trong hoàn cảnh đầy đau khổ. Mị là “con dâu gạt nợ” bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, trong khi A Phủ trở thành người làm công không công cho nhà thống lý chỉ vì đánh nhau với con quan. Khi gặp nhau, họ đã tìm thấy sự đồng cảm và quyết định giải thoát cho nhau khỏi tình trạng nô lệ.

Câu chuyện kết thúc khi Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng anh trốn khỏi sự áp bức. Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại cuộc sống cũ nhưng không lâu sau, cô nhận thức được quyền sống của mình và của A Phủ qua dòng nước mắt của anh. Hành động giải thoát A Phủ không chỉ là sự giải thoát cho anh mà cũng là cho chính bản thân Mị. Hai con người khốn khổ đã cùng nhau trốn chạy khỏi sự thống trị tàn bạo và hủ tục phong kiến, tìm thấy sự tự do và ánh sáng của cách mạng.

Mặc dù Kim Lân và Tô Hoài khai thác những chủ đề khác nhau, kết thúc của hai tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ” và “Vợ Nhặt” đều thể hiện một tương lai tươi sáng và tự do cho người nông dân nghèo. Các tác giả đều mở ra một con đường hy vọng, dẫn nhân vật của mình đến với ánh sáng của cách mạng và một cuộc sống mới. Trong khi “Vợ Nhặt” tập trung vào nỗi đau của người nông dân dưới ách thống trị của thực dân, “Vợ Chồng A Phủ” phản ánh sức mạnh nội tại và khát vọng tự do của nhân vật khi họ tự giải thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

Hai cái kết của “Vợ Chồng A Phủ” và “Vợ Nhặt” mặc dù khác nhau nhưng đều thể hiện những giá trị nhân đạo sâu sắc mà Kim Lân và Tô Hoài muốn gửi gắm. Đó là lòng yêu thương và sự cảm thông đối với những số phận đau khổ, cùng với khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn khi người nông dân vùng lên dưới ánh sáng cách mạng.

Trên đây là phần trình bày của tôi về việc so sánh và đánh giá kết thúc của hai tác phẩm “Vợ Nhặt” và “Vợ Chồng A Phủ”. Rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

Với những hướng dẫn soạn bài Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện – Ngữ văn 12 tập 1 – Kết nối tri thức như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.