Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Hướng dẫn soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Cánh diều lớp 12 chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.
Chuẩn bị
Câu hỏi 1: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 14)
Đọc trước văn bản Chuyện chức phán sự Đền Tản Viên , tìm hiểu thông tin về tác giả Nguyễn Dữ và tập Truyền kì mạn lục
Gợi ý trả lời:
Tác giả Nguyễn Dữ:
- Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ XVI, trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam.
- Ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng, có truyền thống học vấn và quan lại.
- Tuy từng làm quan, nhưng Nguyễn Dữ không ở lại chốn quan trường lâu dài, ông từ quan và chọn cuộc sống ẩn dật.
- Tác phẩm nổi tiếng của ông là Truyền kỳ mạn lục.
Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục:
- Thể loại: Truyền kỳ là một thể loại văn xuôi tự sự trong văn học trung đại, chịu ảnh hưởng từ thể loại truyền kỳ của Trung Quốc thời Đường.
- Đặc điểm: Tác phẩm kết hợp giữa các yếu tố hoang đường, kỳ ảo và hiện thực. Dù có nhiều tình tiết hư cấu, nhưng cốt lõi của các câu chuyện vẫn phản ánh được thực tế xã hội đương thời.
- Thời gian ra đời: Truyền kỳ mạn lục ra đời vào nửa đầu thế kỷ XVI.
- Cấu trúc: Tác phẩm gồm 20 truyện, được viết bằng chữ Hán.
- Giá trị nội dung: Tác phẩm phản ánh chân thực hiện thực xã hội đương thời, bao gồm những mâu thuẫn, bất công và số phận con người.
- Giá trị nghệ thuật: Truyền kỳ mạn lục nổi bật với sự sáng tạo trong việc sử dụng yếu tố hoang đường và kỳ ảo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm và khắc họa sâu sắc chủ đề của từng câu chuyện.
Câu hỏi 2: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 14)
Tìm hiểu về Thánh Tản Viên trong truyền thuyết và trong đời sống văn hóa của người Việt
Gợi ý trả lời:
Truyền thuyết về Thánh Tản Viên:
- Thánh Tản Viên, theo truyền thuyết, là người gốc ở động Lăng Xương, Thanh Thủy, Phú Thọ. Ngài có tên thật là Nguyễn Tuấn, con trai của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Điêng. Thánh Tản Viên được bà Ma Thị Cao Sơn ở núi Ngọc Tản nhận làm con nuôi.
- Trong dân gian, Thánh Tản Viên được tôn thờ là một trong Tứ bất tử, cùng với Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngài là biểu tượng của sức mạnh, sự sáng tạo và khả năng vượt qua thiên tai để bảo vệ cộng đồng.
Thánh Tản Viên trong đời sống văn hóa của người Việt:
- Thánh Tản Viên là một biểu tượng văn hóa quan trọng, được thờ phụng ở nhiều đền đài, đặc biệt là tại vùng Sơn Tây và Phú Thọ. Các lễ hội liên quan đến ngài được tổ chức thường niên, thể hiện lòng tôn kính của người dân.
- Hình tượng Thánh Tản Viên không chỉ đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm mà còn là nguồn cảm hứng trong văn học và nghệ thuật, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.
Đọc hiểu
Nội dung chính: Văn bản kể về nhân vật Ngô Tử Văn, một người chính trực và dũng cảm, đã đứng lên đấu tranh chống lại cái ác để giành lại công lý cho nhân dân và thổ công. Cuối cùng, anh chiến thắng và được trao chức phán sự đền Tản Viên.
Câu hỏi 1: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 18)
Thái độ của mọi người đối với hành động đốt đền của Tử Văn thể hiện điều gì?
Gợi ý trả lời:
Khi Tử Văn đốt đền, “mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn.” Điều này cho thấy họ hèn nhát, sợ hãi, không dám đối đầu với cái ác dù biết rằng nó đang gây ra nhiều phiền toái, quấy nhiễu cho dân chúng.
Câu hỏi 2: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 18)
Tâm sự của thổ thần mang lại cho em suy nghĩ và cảm xúc gì?
Gợi ý trả lời:
Qua tâm sự của thổ thần, em cảm thấy xót xa cho một vị quan trung thành, có công với triều đình nhưng lại bị kẻ ác chiếm đoạt chốn thờ, phải sống trong cảnh “áo vải nhà quê.” Điều này phơi bày sự bất công và hậu quả của tham nhũng, khi cái ác lan tràn còn cái thiện bị đàn áp.
Câu hỏi 3: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 18)
Câu nói của Diêm Vương khiến em suy nghĩ gì?
Gợi ý trả lời:
Câu nói của Diêm Vương khiến em suy nghĩ về sự tham nhũng trong chốn quan liêu. Dù vua xử lý công bằng, nhưng nhiều quan lại vẫn “dối trá càn bậy,” vì lợi ích cá nhân mà từ bỏ đạo đức, hành xử bất công, đặc biệt là trong thời kỳ nhà Hán và nhà Đường.
Câu hỏi 4: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Ý nghĩa của chi tiết Tử Văn “chắp tay thi lễ” với người quen là gì?
Gợi ý trả lời:
Chi tiết này là lời tạm biệt với người quen cũ, đồng thời thông báo Tử Văn đã trở thành “quan phán sự.” Nó cho thấy rằng người tốt cuối cùng sẽ được đền đáp, chính nghĩa sẽ thắng, và những người dám đấu tranh cho chính nghĩa sẽ được tôn vinh và nhớ ơn mãi mãi.
Sau khi đọc
Câu hỏi 1: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Hãy tóm tắt văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ( khoảng 7-10 dòng). Theo em, văn bản có thể chia làm mấy phần.
Gợi ý trả lời:
Tóm tắt tác phẩm:
Ngô Tử Văn, một người khảng khái và chính trực, đã không thể chịu nổi sự tác oai tác quái của hồn ma tướng giặc họ Thôi, nên chàng đã đốt đền của hắn. Sau đó, Tử Văn bị sốt cao và gặp hồn ma tướng giặc đe dọa đưa chàng xuống âm phủ. Thổ Thần đã xuất hiện và chỉ cách cho Tử Văn đối phó với hồn ma. Khi xuống âm phủ, trước mặt Diêm Vương, Tử Văn dũng cảm vạch trần tội ác của tên hung thần. Cuối cùng, hồn ma bị trừng trị, Tử Văn được hồi sinh và trở thành phán sự đền Tản Viên.
Văn bản có thể chia thành 4 phần:
- Phần 1: Giới thiệu Ngô Tử Văn và hành động đốt đền.
- Phần 2: Tử Văn gặp hồn ma Bách hộ họ Thôi và Thổ Thần.
- Phần 3: Cuộc đấu tranh của Tử Văn tại âm phủ.
- Phần 4: Tử Văn trở thành phán sự đền Tản Viên.
Câu hỏi 2: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Tìm trong văn bản những chi tiết liên quan đến lai lịch của Ngô Tử Văn. Theo em, tại sao tác giả lại lựa chọn những chi tiết đó để giới thiệu về nhân vật?
Gợi ý trả lời:
Chi tiết về lai lịch của Ngô Tử Văn:
- Nguồn gốc: Ngô Tử Văn, tên thật là Soạn, quê ở huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.
- Tính cách: Chàng là người khảng khái, nóng nảy, không thể chịu đựng được sự gian tà, được người dân Bắc khen ngợi là người cương trực.
Lý do lựa chọn chi tiết: Tác giả chọn những chi tiết này để giới thiệu về nhân vật nhằm làm nổi bật phẩm chất chính trực, dũng cảm của Ngô Tử Văn, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về những hành động quyết liệt và chính nghĩa của chàng sau này.
Câu hỏi 3: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Trong văn bản, Tử Văn được miêu tả trong mối quan hệ với nhân vật nào? Qua các quan hệ này, em thấy Tử Văn hiện lên với những phẩm chất gì?
Gợi ý trả lời:
Mối quan hệ của Tử Văn với các nhân vật: Tử Văn được miêu tả trong mối quan hệ với ba nhân vật: viên bách hộ họ Thôi, thổ công và Diêm Vương.
Phẩm chất của Tử Văn qua các mối quan hệ này: Tử Văn hiện lên là một anh hùng dũng cảm, kiên định và đấu tranh cho lẽ phải.
- Với viên bách hộ họ Thôi: Tử Văn tỏ ra kiên quyết và không sợ hãi trước sự đe dọa của hắn, thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm đấu tranh chống lại cái ác.
- Với thổ công: Tử Văn thể hiện lòng nhân hậu, sự đồng cảm sâu sắc với những uất ức của thổ địa và quyết không khuất phục dù biết rằng đối thủ có thế lực mạnh.
- Với Diêm Vương: Tử Văn dũng cảm, kiên quyết lên tiếng đòi công lý và vạch trần tội ác của viên bách hộ họ Thôi, bất chấp mọi nguy hiểm.
Câu hỏi 4: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Nêu ý nghĩa của các yếu tố kì ảo trong truyện. Chỉ ra sự tiếp thu sáng tạo những yếu tố kì ảo của Nguyễn Dữ trong một số truyện cổ dân gian?
Gợi ý trả lời:
- Ý nghĩa của các yếu tố kỳ ảo: Các yếu tố kỳ ảo trong truyện không chỉ tạo nên một thế giới sinh động, nơi mà người âm và người dương có thể giao tiếp với nhau, mà còn giúp khắc họa rõ nét tính cách và phẩm chất của nhân vật. Chúng cũng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn, đồng thời mở ra những góc nhìn sâu sắc về những hiện thực xã hội.
- Sự tiếp thu và sáng tạo của Nguyễn Dữ: Nguyễn Dữ đã tiếp thu yếu tố kỳ ảo từ truyện cổ dân gian nhưng sáng tạo thêm qua việc xây dựng một thế giới thần linh và ma quỷ phức tạp. Trong đó, cõi âm cũng có sự gian tà, và thậm chí Diêm Vương cùng các Phán quan – những đại diện cho công lý – cũng có thể bị mù quáng. Điều này ngụ ý về sự bất công và tham nhũng lan tràn không chỉ trên dương gian mà còn ở cõi âm, phản ánh hiện thực xã hội với những nỗi đau và sự rên xiết của người dân dưới ách thống trị.
Câu hỏi 5: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Nêu nhận xét của em về chức năng của người kể chuyện trong phần chính văn và người bình luận ở cuối truyện
Gợi ý trả lời:
- Chức năng của người kể chuyện trong phần chính văn: Người kể chuyện đóng vai trò là người dẫn dắt, giới thiệu câu chuyện một cách mạch lạc. Họ giới thiệu về lai lịch của nhân vật và bối cảnh của sự kiện, giúp người đọc hiểu rõ hơn về câu chuyện. Các sự kiện trong truyện được trình bày theo mạch thời gian tuyến tính, giúp cho câu chuyện được kể một cách logic và dễ theo dõi.
- Chức năng của người bình luận ở cuối truyện: Người bình luận ở cuối truyện đóng vai trò thể hiện rõ ràng quan điểm và tư tưởng của nhà văn. Họ nhấn mạnh thông điệp chính của câu chuyện, đặc biệt là về lòng dũng cảm và bản lĩnh của con người khi đối mặt và đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ chính nghĩa. Điều này giúp người đọc hiểu sâu hơn về ý nghĩa của câu chuyện và những giá trị mà nhà văn muốn truyền tải.
Câu hỏi 6: (SGK Ngữ văn 12 Tập 1 – Trang 19)
Hãy nêu suy nghĩ của em về lời bình ở cuối truyện: “Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời.”
Gợi ý trả lời:
Lời bình này tôn vinh sự kiên cường, lòng dũng cảm và quyết tâm của con người trong cuộc chiến chống lại cái ác. Nó khuyến khích những người đứng về phía lẽ phải không nên e ngại khó khăn hay hiểm nguy, mà phải vững vàng trong ý chí và hành động. Dù kết quả có thể không luôn như mong đợi, nhưng quan trọng nhất là sự can đảm để đứng lên bảo vệ công lý. Qua đó, niềm tin rằng cái thiện và lẽ phải sẽ luôn chiến thắng, miễn là chúng ta không từ bỏ và tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường chính nghĩa.
Với những hướng dẫn soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Cánh diều lớp 12 chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.