Mở bài Mùa xuân nho nhỏ
Để có được một bài văn Mùa xuân nho nhỏ hay và ghi điểm cao thì việc viết mở bài tốt, giới thiệu đúng trọng tâm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một mở bài hay sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về tác phẩm và tạo ấn tượng cho người chấm bài. Dưới đây là những mẫu mở bài Mùa xuân nho nhỏ chọn lọc hay nhất cho các bạn tham khảo.
Mở bài gián tiếp Mùa xuân nho nhỏ
Mẫu 1
Đề tài mùa xuân có lẽ là đề tài muôn thuở mà nhà thơ nào cũng ít nhất đã từng viết về. Viết về đề tài này, mỗi nhà thơ lại có những suy tưởng, những ý nghĩ riêng của mình. Nhiều nhà thơ cũng đã để lại dấu ấn của mình trên diễn đàn văn học Việt với những bài thơ xuân như “Vội vàng” – Xuân Diệu, “Mùa xuân chín” – Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” – Nguyễn Bính, … Nhưng có lẽ mùa xuân để lại trong lòng người đọc cảm xúc nhiều nhất là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.
Mẫu 2
Mùa xuân với sức sống của thiên nhiên đất trời luôn là nguồn cảm hứng của thi ca. Nhắc đến xuân trong kho tàng thi ca Việt Nam ta đã từng biết đến “Vội vàng” của Xuân Diệu, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính… Và trong rất nhiều tác phẩm viết về mùa xuân ta không thể không nhắc đến “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.
Mẫu 3
Mùa xuân là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Mỗi một nhà thơ lại có cách thể hiện mùa xuân theo một phong cách riêng. Với Thanh Hải, mùa xuân không chỉ là một mùa của thiên nhiên tươi đẹp, rực rỡ sắc màu mà còn là mùa của niềm tin, hy vọng, của khát vọng cống hiến. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Thanh Hải, thể hiện rõ nét phong cách thơ của ông. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân rực rỡ sắc màu.
Mẫu 4
Mỗi con người khi sinh ra được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cuộc sống để sống, tận hưởng đồng thời cần biết tận hiến. Có lẽ thấu hiểu sâu sắc điều đó mà Thanh Hải đã viết nên bài thơ về một cuộc đời có ý nghĩa qua bài thơ: “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình yêu cuộc sống, yêu đất nước đến thiết tha, khắc khoải. Tình yêu ấy không chỉ bộc lộ trong niềm hân hoan, niềm tin trước cuộc sống mới của dân tộc sau giải phóng mà còn kết tinh trong nguyện ước chân thành, muốn dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của bản thân để góp phần làm nên vẻ đẹp mùa xuân lớn của đất nước.
Mẫu 5
Mùa xuân là đề tài gợi thương, gợi nhớ cho biết bao thi sĩ. Đến với mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải ta không còn thấy “mùa xuân là cả một mùa xanh” của Nguyễn Bính hay “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” trong thơ Hàn Mặc Tử. Mùa xuân của Thanh Hải là một mùa xuân nho nhỏ với sắc tím của cánh hoa, với tiếng du dương của chim chiền chiện, với cái long lanh của giọt sương. Mùa xuân ấy là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, cuộc đời cũng như thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp “một mùa xuân nho nhỏ của mình” vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Mở bài Mùa xuân nho nhỏ khổ 4 và 5
Mẫu 1
Khổ 4 và 5 trong bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ, như những đoạn hồi tưởng và tâm niệm sâu sắc của nhà thơ, mang đến cho độc giả cái nhìn tinh tế về mùa xuân của cả đất nước và từng cá thể trong xã hội. Những từ ngữ như “ta làm” không chỉ là biểu hiện của khao khát cá nhân mà còn là sự đồng hành, hòa nhập với nguyên tắc cống hiến và hy sinh cho cộng đồng. Sự lựa chọn xưng “ta” thay vì “tôi” không chỉ là một ngôn ngữ chính trị mà còn là sự thể hiện của tâm hồn hiệp nhất với cộng đồng. Như một điệp ngữ sâu sắc, “con chim hót, cành hoa, nốt nhạc trầm, mùa xuân nho nhỏ” đưa chúng ta đến với hình ảnh của vẻ đẹp khiêm tốn nhưng vô cùng quý báu. Trong “Lặng lẽ dâng cho đời,” nhà thơ truyền tải tinh thần nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa, thể hiện sự tận tụy và trân trọng với cuộc sống.
Mẫu 2
Thanh Hải, nhà thơ tài năng của xứ Huế, để lại dấu ấn sâu sắc trong văn chương Việt Nam, không chỉ qua tác phẩm mà còn qua chính cuộc sống và tinh thần đoàn kết, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Gắn bó với cách mạng từ những ngày kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, Thanh Hải không chỉ là nhà thơ mà còn là người lính trung thành, dành trọn tâm huyết và sức lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Mùa xuân nho nhỏ,” một tác phẩm vĩ đại của Thanh Hải, không chỉ là một bức tranh tươi sáng về mùa xuân của tự nhiên mà còn là bức tranh về tâm hồn của ông, tình yêu thương đối với cuộc sống và khát khao cống hiến cho đất nước. Trong khổ thơ 4 và 5, tinh thần của Thanh Hải được làm rõ, khi ông thể hiện lòng trung thành và sự hy sinh của mình cho mục tiêu xây dựng đất nước đoàn kết và mạnh mẽ hơn sau thời kỳ thống nhất.
Mẫu 3
Thanh Hải là nhà thơ đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông dành cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ngay đến cả những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải vẫn khát khao được gắn kết với mạch nguồn cuộc sống, với trái tim lớn dân tộc, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Ý nguyện cao đẹp ấy được trình bày trong khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, tác phẩm cuối cùng mà nhà thơ gửi lại cho đời.
Mẫu 4
Như chúng ta đã biết, mùa xuân là mùa hội tụ của các thi sĩ, là một mùa mang đậm chất thơ, cũng giống như các nhà thơ khác, nhà thơ Thanh Hải cũng đã cảm nhận được mùa xuân để sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để thể hiện ước nguyện nhỏ nhoi, cuối cùng trong đời của ông trước khi từ trần. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một bài thơ rất đặc sắc, đơn giản mà ấn đậm những dòng cảm xúc, ước nguyện của ông, điển hình qua hai khổ thơ trong bài:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mẫu 5
Khi đất nước đang trên đà đi lên chủ nghĩa xã hội, hòa nhập với cộng đồng khi cần những con người biết hi sinh, biết cống hiến. Thanh Hải là một trong những nhà thơ tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù sức khỏe không tốt. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã phần nào nêu lên ước nguyện nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Đặc biệt trong hai khổ thơ 4 và 5…
Liên hệ mở rộng cho bài Mùa Xuân nho nhỏ
Mẫu 1
Đồng quan điểm sống với nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” còn rất nhiều các nhà văn, nhà thơ cũng thể hiện quan điểm như vậy.
Như trong bài “Còn gì cho quê hương” Viên Phương đã viết:
“Nửa mái đầu chớm bạc
Còn gì cho quê hương?
Thân xin làm chiếc lá…
Thân xin làm hạt sương…”
Đó chính là khát vọng được cống hiến, hóa thân cho quê hương, đất nước. Dù cho “mái đầu chớm bạc” thì nhà thơ vẫn luôn băn khoăn về quê hương. Đây quả thực là một lẽ sống lớn.
Hay Tố Hữu cũng từng viết:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
Như vậy ta có thể thấy, quan điểm sống, cống hiến luôn là một lẽ sống ở mọi thời đại và nó luôn luôn đúng đắn.
Mẫu 2
Đọc những câu chữ xúc động của Thanh Hải cùng khát khao cống hiến âm thầm, lặng lẽ. Chúng ta lại nhớ tới một khát khao cũng đẹp, cũng chân thành như thế của người thanh niên làm công tác khí tượng trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Người thanh niên ấy cũng tâm tình như thế. Anh cũng chỉ mong là một “nốt trầm xao xuyến” cho đời. Có gì đẹp bằng mong muốn dựng xây quê hương trong một con người. Dù là người trẻ, dù là người già. Tất cả chúng ta đều giống nhau và có một tình yêu quê hương nồng nàn, đắm say. Yêu quê hương, yêu đất nước này không chỉ bằng lời nói suông. Tất cả được hiện thực hóa, được điểm tô trong những trái tim, khối óc như Thanh Hải, như anh thanh niên của Nguyễn Thành Long vậy. Họ thật sự đã làm bạn đọc phải nhìn lại mình, soi chiếu lại khát khao để cống hiến, để thay đổi.
Mẫu 3
Trong “Tiếng nói của văn nghệ” Nguyễn Đình Thi viết “ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không chỉ ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ anh gửi vào tác phẩm một lá thư; một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp phần vào đời sống chung quanh”. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ( 1980) của Thanh Hải được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là khi nhà thơ đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Bài thơ đã thực sự mang đến những điều mới mẻ, là lời nhắn nhủ mà nhà thơ muốn đem góp vào đời sống.
Văn học nghệ thuật luôn lấy con người và đời sống làm đối tượng phản ánh. Không có một tác phẩm nghệ thuật nào mà không được xây dựng nên từ chất liệu hiện thực cuộc sống. Vì thế “ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”, nghĩa là hiện thực cuộc sống là chất liệu, là nguồn cảm hứng để người nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật.
Nhưng người nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi”, nghĩa là nghệ sĩ không sao chép y nguyên thực tại mà luôn muốn nói những điều mới mẻ. Đó là những khám phá, phát hiện rất mới mẻ, rất riêng của người nghệ sĩ về con người và cuộc sống . “ Điều mới mẻ” trong một tác phẩm có khả năng chiếu tỏa lên cuộc đời ta, soi vào tâm hồn ta, làm cho ta thay đổi hẳn cách nghĩ, cách nhìn, cách sống theo chiều hướng tích cực hơn.
Người nghệ sĩ còn “ gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”. Lá thư, lời nhắn nhủ là sự sống, là tưởng, tình cảm mà người nghệ sĩ muốn truyền cho người đọc. Mỗi tác phẩm văn nghệ ngoài phản ánh thực tại cuộc sống còn có chức năng giáo dục và cải tạo xã hội.
Mùa xuân nho nhỏ là một tác phẩm nghệ thuật xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: Đó là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời: sắc màu tươi thắm, âm thanh tươi vui rộn rã. Mùa xuân trong thơ Thanh Hải đẹp, thơ mộng, khoáng đạt, hài hòa đường nét, màu sắc, âm thanh đậm đà sắc màu xứ Huế.
Trong thi phẩm, nhà thơ không sao chép, ghi lại những điều đã có mà còn ghi vào đó “ những điều mới mẻ”. Mùa xuân vốn là đề tài quen thuộc của thi ca xưa nay nhưng Thanh Hải lại có cảm nhận và cách thể hiện riêng.
Mới mẻ về nội dung: mạch cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, từ vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên rồi mở rộng ra với mùa xuân của đất nước, của cách mang và lắng lại vào suy tư làm bừng lên khát khao cống hiến cháy lòng của thi sĩ. Nhà thơ quan niệm cuộc đời mình, cuộc đời mỗi người là một mùa xuân nho nhỏ, nhiều Mùa xuân nho nhỏ góp lại sẽ làm nên mùa xuân vĩnh hằng của non sông. Trước sắc xuân phơi phới của đất trời, của dân tộc, Thanh Hải mong được dâng hiến thật nhiều cho cuộc đời chung, cho quê hương, đất nước bất chấp thời gian, tuổi tác. Từ những điều mới mẻ ấy, nhà thơ đã nhắn nhủ tới mỗi con người hãy biết đem tài năng, tâm huyết, sức lực của mình để cống hiến.
Mới mẻ về nghệ thuật : ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa biểu tượng; chất họa gợi cảm, chất nhạc vấn vương; giọng điệu biến đổi linh hoạt, khi ngọt ngào, tha thiết, say sưa, khi hối hả, khi lại trầm lắng suy tư. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc góp thêm vào vườn ca mùa xuân một nốt nhạc trầm và xúc động, xao xuyến lòng người.
Bài thơ ra đời khi Thanh Hải sắp vĩnh biệt cuộc đời nhưng cả bài thơ vẫn ngập tràn sức xuân và khát vọng, sống mãnh liệt. Điều đó đã gieo vào lòng người đọc những rung động sâu xa, truyền cho người đọc niềm lạc quan, yêu đời ngay cả khi mặt trời sắp lặn.
Bài thơ không chỉ được coi là lời tổng kết cuộc đời nhà thơ mà còn là lời trăng trối ông gửi lại cho đời. Cuộc sống mỗi người chỉ có ý nghĩa khi cống hiến và hi sinh, khi biết gắn cuộc đời mình vào cuộc sống chung. Một người hãy góp một nốt trầm, “Mùa xuân nho nhỏ” vào bản hoa ca bất tận của cuộc đời.
Sự sáng tạo của Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ góp phần làm nên thành công của bài thơ. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một lẽ sống đẹp Thanh Hải gửi nhắn lại cho cuộc sống hôm qua, hôm nay và mãi về sau. Bài thơ có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc, khơi gợi trong ta những khát khao được sống và cống hiến thật nhiều cho cuộc đời chung.
Cả hai bài thơ ra đời khi đất nước mới vừa đi qua chiến tranh, đang cần những tấm lòng chung sức dựng xây đất nước. Chọn thể thơ tự do linh hoạt Tố Hữu và Thanh Hải bộc lộ những cảm xúc của mình về cuộc đời, về trách nhiệm mỗi người, rất chân thành và giàu sức thuyết phục. Nội dung của hai khổ thơ trên đâu chỉ là tâm nguyện cống hiến của riêng hai nhà thơ Tố Hữu và Thanh Hải mà còn là lí tưởng sống của muôn triệu người Việt Nam ta xưa và nay.
Cả bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải được viết trên thể thơ năm chữ. Thể thơ đó cùng với những biện pháp tu từ đã chuyển tải hết cho người đọc thấy rõ một tình yêu cuộc sống mãnh liệt tới nhường nào của Thanh Hải. Và hòa quyện trong tình yêu đó là một tình yêu cao cả hơn, lớn lao hơn, cháy bỏng hơn dành cho quê hương, cho đất nước ta đang trong thời kì xây dựng. Nó cũng thể hiện khát khao được cống hiến của người con xứ Huế cho mùa xuân của đất nước và con người Việt Nam.
Bài thơ kết lại rồi nhưng âm hưởng ngọt ngào, da diết mà Thanh Hải để lại cho chúng ta cứ ngân vang mãi trong lòng mỗi người. Tình yêu cuộc sống, yêu đất nước và ước nguyện của tác giả đã làm ta cảm thấy khâm phục biết nhường nào. Nhắc tới Thanh Hải, người ta sẽ không bao giờ quên đi hình ảnh một “mùa xuân nho nhỏ” đẹp đẽ đến như thế!
Trên đây là tổng hợp các mẫu mở bài Mùa xuân nho nhỏ xuất sắc nhất mà chúng tôi đã chọn lọc được, hy vọng những mẫu văn này sẽ giúp cho các bạn có được những bài văn hay. Chúc các bạn có những bài văn thật tốt và đạt được điểm cao tuyệt đối trong các kì thi.