Mở bài chung cho Nghị luận Văn học

Để có được một bài văn nghị luận văn học hay và ghi điểm cao thì việc viết mở bài tốt, giới thiệu đúng trọng tâm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một mở bài hay sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về tác phẩm và tạo ấn tượng cho người chấm bài. Dưới đây là cách mở bài và các mẫu mở bài nghị luận xã hội chọn lọc hay nhất cho các bạn tham khảo.

I. Hướng dẫn cách mở bài nghị luận văn học

– Phần mở bài trong một bài văn nghị luận xã hội có vai trò gợi mở, định hướng vấn đề. Có hai cách mở bài:

  • Trực tiếp: Đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Khi mở bài trực tiếp cần phải tập trung vào vấn đề nghị luận, tránh lan man.
  • Gián tiếp: Từ vấn đề liên quan dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận. Khi mở bài gián tiếp cần phải tạo được sự hấp dẫn, linh hoạt. Có thể mở bài gián tiếp bằng cách dẫn dắt từ một câu nói, ý kiến, nhận định để đi đến vấn đề cần nghị luận.

– Cấu trúc của một mở bài sẽ gồm các phần:

  • Dẫn dắt vấn đề: Đi từ vấn đề liên quan (một câu nói, ý kiến, nhận định…) để dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận hay tình huống có vấn đề đặt ra ở đề bài.
  • Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, chú ý nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài và phải nêu một cách khái quát.
  • Giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận (1 đề tài, 1 tác phẩm hay nhiều tác phẩm, 1 đoạn/khổ trong tác phẩm…)
  • Nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa của vấn đề đối với cuộc sống, xã hội (không nhất thiết phải có, tùy thuộc vào từng nội dung).

II. Làm thế nào để có một một mở bài hay?

Để có một bài hay, người viết cần tuân thủ các yêu cầu sau:

  1. Ngắn gọn (khoảng 3 đến 4 câu văn): Mở bài cần ngắn gọn, tránh dài dòng, lan man dễ gây lạc đề.
  2. Đầy đủ: Nêu được vấn đề cần nghị luận; phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính.
  3. Độc đáo: Tạo ra sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng những liên tưởng khác lạ, hoặc dẫn dắt những câu trích dẫn ý nghĩa.
  4. Tự nhiên: Ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép.

III. Các cách mở bài nghị luận văn học

  1. Nêu phản đề

– Tạo ra tình huống đối lập, tương phản với vấn đề được nêu ra trong mở bài.

– Ví dụ: Khi nhận xét về Tây Tiến của Quang Dũng, có nhà phê bình văn học đã đánh giá tác phẩm mang cái “buồn rớt, mộng rớt” của giai cấp tiểu tư sản. Điều đó còn mang cái nhìn chủ quan, phiến diện một thời. Ở khổ thơ thứ ba, Quang Dũng đã cho người đọc cảm nhận được về hình ảnh người lính hiện lên với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng.

  1. So sánh

– Đối chiếu hai hay nhiều đối tượng với nhau, giúp cho người đọc thấy được bản chất của vấn đề được đề cập đến trong tương quan với đối tượng khác.

– Ví dụ: Thơ ca Việt Nam ba mươi năm chiến tranh là một dàn hợp xướng những khúc ca, giai điệu ngọt ngào về đất nước. Ta không thể nào quên một “đất nước hình tia chớp” trong thơ Trần Mạnh Hảo hay một đất nước như “bà mẹ sớm chiều gánh nặng nhẫn nại nuôi con một đời im lặng” trong thơ Tố Hữu. Nhắc đến đề tài Đất nước trong văn học cách mạng sẽ thật là không đầy đủ nếu như ta không nhắc đến Đất nước trích trong chương V của Trường ca mặt đường khát vọng với tư tưởng nhân văn tiến bộ: “Đất nước của nhân dân”.

  1. Từ đề tài

– Mỗi tác phẩm văn học đều thuộc một mảng đề tài nhất định. Việc dẫn dắt từ đề tài sẽ giúp cho người đọc có cái nhìn khái quát đến cụ thể về tác phẩm.

– Đề tài là phạm vị hiện thực được phản ánh trong tác phẩm (Ví dụ: Truyện ngắn Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao thuộc mảng đề tài viết về người nông dân).

– Ví dụ: Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Xuân Diệu đã từng viết:

“Làm sao sống được mà ko yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”

( Bài thơ tuổi nhỏ, Xuân Diệu)

Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Nổi bật trong đó là Xuân Quỳnh với bài thơ “Sóng”. Tác phẩm đã gợi cho người đọc những cảm nhận thật tinh tế về vẻ đẹp tâm hồn của người con gái trong tình yêu.

  1. Từ chủ đề

– Chủ đề là nội dung chính được tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

– Ví dụ: Nguyễn Trung Thành với tác phẩm Rừng xà nu đã thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh để đặt ra một vấn đề lớn lao của dân tộc. Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Tác phẩm chính là bản anh hùng ca của mảnh đất Tây Nguyên anh hùng.

  1. Từ nhân vật hoặc hình tượng trung tâm

– Hình tượng trung tâm có thể là nhân vật chính, hay một hình tượng được nhà văn xây dựng.

– Ví dụ: “Tây Tiến” là một đơn vị quân đội được thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ chính là phối hợp với bộ đội Lào chống lại thực dân Pháp. Đa phần những người lính trong binh đoàn Tây Tiến đều là học sinh sinh viên, trong đó có nhà thơ Quang Dũng. Năm 1948, sau khi chuyển sang đơn vị khác, nhà thơ đã nhớ về binh đoàn Tây Tiến và sáng tác ra “Tây Tiến”. Bài thơ đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

  1. Từ giai đoạn văn học hoặc hoàn cảnh sáng tác

– Mỗi thời kì lịch sử đều có bối cảnh xã hội, lịch sử khác nhau có ảnh hưởng đến nội dung của từng tác phẩm. Mỗi giai đoạn chi phối đến nhà văn, bạn đọc và tác phẩm.

– Đồng thời, mỗi tác phẩm văn học thường sẽ có hoàn cảnh sáng tác riêng.

– Ví dụ:

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ… chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình”

(Theo chân Bác, Tố Hữu)

Đó là sáng mùa thu lịch sử Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Văn chính luận của Người nói chung, “Tuyên ngôn độc lập” của Người nói riêng thể hiện một tư duy sắc sảo, một ngòi bút giàu tính luận chiến và tài nghệ lập luận kiệt xuất của Hồ Chí Minh.

  1. Từ tác giả

– Tác giả có vai trò quan trọng đối với mỗi tác phẩm – những đứa con tinh thần của nhà văn. Muốn mở bài đi từ tác giả cần nhớ được phong cách sáng tác của tác giả.

– Ví dụ: Nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá “Nguyễn Minh Châu là cây bút mở đường tinh anh và tài năng nhất”. Các sáng tác của ông đều thể hiện được những quan niệm mới mẻ về cuộc sống. Trong số đó có truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1987. Truyện đã mang một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

  1. Từ thể loại

– Mỗi tác phẩm đều thuộc một thể loại văn học (thơ, truyện ngắn…) với những đặc trưng khác nhau. Học sinh cần nắm rõ nội dung của tác phẩm (thuộc thơ, đọc tác phẩm) để nắm rõ thể loại.

– Ví dụ: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bằng những tình cảm chân thành, sâu nặng với xứ Huế, tác giả đã lột tả trọn vẹn vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông Hương – con sông mang dáng hình và dấu ấn của xứ Huế mộng mơ. Tác phẩm đã thể hiện được phong cách của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  1. Trích dẫn một nhận định, đánh giá văn học

– Trích dẫn một nhận định, đánh giá văn học, từ đó dẫn dắt đến nội dung vấn đề cần nghị luận.

– Ví dụ: M.Gorki đã từng khẳng định: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng lại gửi gắm được nhiều giá trị sâu sắc. Và trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã xây dựng được một chi tiết như vậy, đó chính là chi tiết Việt và Chiến cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm.

IV. Các mẫu mở bài nghị luận văn học

Nghị luận văn học về tác phẩm truyện

Mẫu 1- Những ngôi sao xa xôi

        Từ lâu, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong đã đi vào thi ca, nhạc họa nuôi một nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận. Ta có thể kể đến bài thơ “Gửi em cô gái thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật hay bài hát “Cô gái mở đường” của cố nhạc sĩ Xuân Giao… Và cũng góp một tiếng nói riêng, tiếng nói của một thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn vào đề tài này, Lê Minh Khuê với truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã khắc họa thành công hình ảnh những cô gái xung phong phá bom, mở đường thật chân thực: hồn nhiên, trong sáng, giàu mộng ước, lạc quan, yêu đời và rất dũng cảm, mạnh mẽ trong chiến đấu. Tác phẩm là “đứa con tinh thần” đầu tiên của nhà văn, được viết vào năm 1971, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra rất ác liệt.

Mẫu 2 – Chuyện người con gái Nam Xương

         Trong nền văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh kiệt tác “Truyện Kiều” tái hiện thành công số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thông qua hình tượng nhân vật Thúy Kiều thì “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng là một tác phẩm tiêu biểu khắc họa chân thực bi kịch của người phụ nữ. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua cái chết của nhân vật Vũ Nương. Đây là chi tiết cho thấy sự tuyệt vọng, bế tắc không lối thoát của nhân vật trong xã hội đầy rẫy bất công.

Mẫu 4 – Làng

          Kim Lân là nhà văn có sở trường truyện ngắn, nổi tiếng với những tác phẩm về vẻ đẹp xứ Kinh Bắc. Là người gắn bó với thôn quê, am hiểu sâu sắc về cuộc sống thôn quê nên hầu hết các tác phẩm của Kim Lân đều viết về người nông dân với vẻ đẹp bình dị mà sâu sắc. “Làng” là tác phẩm tiêu biểu của ông. Truyện đã khắc họa thành công nhân vật ông Hai với vẻ đẹp của tình yêu làng tha thiết hòa quyện thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến. Truyện ngắn “Làng” được Kim Lân sáng tác năm 1948 trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ. Chính trong hoàn cảnh ấy, ta nhận ra ở người nông dân không chỉ có tình yêu tha thiết với làng quê và còn rất trung thành với cách mạng. Khai thác tình cảm này ở nhân vật ông Hai, Kim Lân đặt nhân vật vào hoàn cảnh thử thách có tính chất chọn lựa: ở nơi tản cư, ông Hai tình cờ nhận được tin làng Chợ Dầu theo Tây.

Mẫu 5 – Lặng lẽ Sa Pa

          Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên về truyện ngắn. Ông đã rất thành công ở các tác phẩm khai thác đề tài về những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Tác phẩm không chỉ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đẹp và thơ mộng mà còn là lời ca ngợi những con người đang ngày đêm miệt mài lao động cống hiến cho Tổ quốc.

Nghị luận về thơ

Mẫu 1 – Đồng chí

          Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, hỡnh ảnh người lính mói mói là hỡnh ảnh cao quý nhất, đẹp đẽ nhất. Hình tượng người lính đó đi vào lũng người và văn chương với tư thế, tình cảm và phẩm chất cao đẹp. Một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và thành công nhất viết về tình cảm của những người lính Cụ Hồ là “Đồng chí” của Chính Hữu. Bằng những rung động mới mẻ và sâu lắng, bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc, qua bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đó diễn tả thật sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến.

Mẫu 2 – Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận – một nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới tiêu biểu cho nền thơ hiện đại của Việt Nam, nếu như trước cách mạng tháng Tám thơ của Huy Cận mang đậm triết lý và nỗi buồn nhân thế thì sau cách mạng, các tác phẩm thơ ca của ông lại tràn ngập niềm vui, tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống mới. Một trong những bài thơ tiêu biểu đánh dấu sự chuyển biến trong giọng điệu và phong cách sáng tác của Huy Cận giai đoạn sau cách mạng có thể kể đến là  “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ đã khắc họa một bức tranh về cuộc sống lao động của nhân dân miền Bắc sau ngày giải phóng, đó là công cuộc xây dựng đất nước mà ở đó có sự hòa hợp giữa thiên nhiên đất trời với con người lao động trong sự thay da đổi thịt của đất nước, vui say hân hoan trong cuộc sống mới.

Mẫu 3 – Bài thơ về tiểu đội xe không kính

         Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu n­ước của dân tộc ta là một bản anh hùng ca bất diệt. Trong những tháng năm sục sôi khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ”ấy nhân dân Miền Bắc đã không tiếc sức người,sức của chi viện cho Miền Nam ruột thịt. Trong những đoàn quân điệp trùng nối nhau ra trận có chàng trai trẻ Phạm Tiến Duật. Anh được tôi luyện và trưởng  thành trong chiến tranh và trở thành nhà thơ chiến sĩ. Thơ anh không cuốn hút người đọc bằng ngôn từ mượt mà, âm điệu du dương mà nó khiến người đọc say bằng chính sự tự nhiên, sống động, gân guốc, độc đáo và đậm chất lính tráng.“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ đó.

Mẫu 4 – Bếp lửa

         Bài thơ ‘Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt là một bài thơ hay viết về tình cảm bà cháu nhưng lại được chan hòa với tình yêu quê hương đất nước. Có thể nói trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt có bóng dáng của biết bao tâm hồn tuổi thơ như chúng ta, tuổi thơ của tác giả gắn với hình ảnh người bà kính yêu, tần tảo, hy sinh, gắn với hình ảnh bếp lửa nồng đượm. Bài thơ không chỉ cho chúng ta cảm nhận được những cảm xúc chân thành của tác giả đối với người bà và ca ngợi tình cảm bà cháu thiêng liêng mà còn nhắc nhở về vai trò của tình cảm gia đình trong cuộc sống.

Mẫu 5 – Ánh trăng 

          Thơ xưa cũng như nay, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt là ánh trăng. Xưa, Lý Bạch khi đối diện với vầng trăng đó giật mình thảng thốt nhớ cố hương. Nay, Nguyễn Duy, một nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ trẻ sau năm 1975 cũng góp vào mảng thơ thiên nhiên một ánh trăng.Và đối diện trước vầng trăng, người lính đó giật mình về sự vụ tỉnh trước thiên nhiên, vô tình với những kỉ niệm nghĩa tình của một thời đã qua. Bài thơ “Ánh trăng” giản dị như một niềm ân hận trong tâm sự sâu kín ấy của nhà thơ.

Trên đây là tổng hợp cách mở bài và các mẫu mở bài nghị luận xã hội xuất sắc nhất mà chúng tôi đã chọn lọc được, hy vọng những mẫu văn này sẽ giúp cho các bạn có được những bài văn hay. Chúc các bạn có những bài văn thật tốt và đạt được điểm cao tuyệt đối trong các kì thi.