Mở bài Chữ người tử tù (cảnh cho chữ)
Để có được một bài văn Chữ người tử tù hay và ghi điểm cao thì việc viết mở bài tốt, giới thiệu đúng trọng tâm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một mở bài hay sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về tác phẩm và tạo ấn tượng cho người chấm bài. Dưới đây là những mẫu mở bài Chữ người tử tù chọn lọc hay nhất cho các bạn tham khảo.
Mẫu 1
Nhà văn Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút truyện ngắn tiêu biểu tại thời kì cuối năm 1930 đến năm 1945. Một trong các nhân vật mà ông khắc hoạ trong truyện của mình thường là những đối tượng mang tài hoa uyên bác là bậc thầy của một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Đôi khi đó là những nhân vật tài ba vang bóng một thời. Trong tất cả các tác phẩm của ông thì truyện ngắn Chữ người tử tù là tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng mạnh. Đặc biệt là cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao cùng viên quản ngục. Phân cảnh này chính là điểm sáng nhất trong truyện, được thắp lên bởi tài năng và nhân phẩm của những nhân vật mà Nguyễn Tuân đã tạo lên.
Mẫu 2
“Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Truyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao – một người tử tù đang chờ ngày ra pháp trường với viên quản ngục – một người vốn yêu thích cái đẹp. Cảnh cho chữ là một trong những cảnh tượng đặc sắc nhất của truyện. Cảnh tượng này diễn ra trong một khung cảnh ngột ngạt, tối tăm của ngục tù nhưng lại toát lên vẻ đẹp thanh cao, lãng mạn của nghệ thuật thư pháp.
Mẫu 3
Nhà văn Nga Pautôpxki đã từng khẳng định: “Nhà văn chân chính là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật là bước vào thế giới của cái đẹp”. Với truyện ngắn “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân không chỉ đưa người đọc đến với cái đẹp của chữ nghĩa, với thú chơi tao nhã của người xưa mà còn thể hiện cái đẹp ở nhân cách con người, ở tấm lòng biết trân quý người có tài năng. Người đọc đặc biệt ấn tượng với phân cảnh cuối cùng của truyện ngắn – cảnh cho chữ, được coi là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” qua ngòi bút tài hoa, uyên bác và độc đáo của Nguyễn Tuân.
Mẫu 4
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn và có vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Được mệnh danh là nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp” với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác, ông đã làm lay động trái tim người đọc bằng những sáng tác độc đáo của mình. Nhà văn luôn đặt con người dưới góc nhìn nghệ sĩ, nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hoá, thẩm mỹ. Đến với truyện ngắn “Chữ người tử tù” người đọc đặc biệt ấn tượng với cuộc gặp gỡ của những người coi tù và kẻ tử tù. Cảnh cho chữ – cảnh tượng được chính nhà văn đánh giá là “xưa nay chưa từng có”
Mẫu 5
Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc, là đỉnh cao trong nghệ thuật khắc hoạ cái đẹp của Nguyễn Tuân. Dù là trong hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc đời, là cảnh ngục tù chết chóc thì cũng chẳng thể nào vùi lấp được vẻ đẹp tuyệt mỹ trong tâm hồn con người. Cảnh cho chữ là chi tiết truyện xuất sắc góp phần to lớn tạo nên giá trị nhân văn cho toàn bộ tác phẩm. Qua đó, nhà văn khẳng định một chân lý bất diệt: Cái đẹp luôn trường tồn, thắng thế trước nghịch cảnh éo le của cuộc đời. Nguyễn Tuân – nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác ông đã làm lay động trái tim người đọc bằng những sáng tác của mình.
Mẫu 6
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tài hoa, uyên bác của nền văn học Việt Nam. Ông luôn đi tìm cái đẹp ở những nơi tưởng chừng như không thể có. Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa một cảnh tượng cho chữ tuyệt đẹp, diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức éo le, đó là cảnh cho chữ của Huấn Cao – một người tử tù đang chờ ngày ra pháp trường cho viên quản ngục – một người vốn yêu thích cái đẹp. Từ xưa đến nay, chơi chữ được coi là một thú chơi tao nhã của những kẻ có học thức. Thú chơi chữ thể hiện được toàn bộ cái đẹp, cái tài năng và cả trí tuệ của người viết cũng như người thưởng thức. Cảnh cho chữ thường được diễn ra tại những nơi trang trọng, có đủ trăng hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc. Rồi từ đó những nét chữ uyển chuyển mang trong nó cả cái hồn riêng được ra đời. Nhưng cũng những nét chữ uyển chuyển có hồn ấy, Nguyễn Tuân lại cho nó sinh ra trong một hoàn cảnh khác lạ, “một cảnh xưa nay hiếm”. Đó là cảnh cho chữ trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.
Trên đây là tổng hợp các mẫu mở bài Chữ người tử tù xuất sắc nhất mà chúng tôi đã chọn lọc được, hy vọng những mẫu văn này sẽ giúp cho các bạn có được những bài văn hay. Chúc các bạn có những bài văn thật tốt và đạt được điểm cao tuyệt đối trong các kì thi.