Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11 – Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo (Tập 1)
Hướng dẫn soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11 – Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo (Tập 1) chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.
Văn bản văn học
Văn bản văn học là một tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ, được tạo ra bởi cá nhân hoặc tập thể nhà văn và là đơn vị cơ bản, độc lập của văn học.
Văn bản văn học có thể tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc viết, từ những câu đơn giản như tục ngữ, ca dao cho đến những tác phẩm đồ sộ như sử thi, tiểu thuyết.
Về cấu trúc, văn bản văn học là một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố thuộc các bình diện khác nhau của nội dung và hình thức.
Hình thức nghệ thuật của văn bản văn học
Hình thức nghệ thuật của văn bản văn học là cách sắp xếp và kết nối các yếu tố như bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ, âm điệu… để tạo nên đặc trưng và phong cách của tác phẩm.
Kết cấu của bài thơ
Kết cấu của bài thơ là sự tổ chức chặt chẽ và sinh động các yếu tố nội dung và hình thức của bài thơ, nhằm thể hiện đầy đủ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Kết cấu này bao gồm: (1) lựa chọn thể thơ; (2) sắp xếp các phần và đoạn thơ theo một trình tự cụ thể (bố cục); (3) triển khai mạch cảm xúc; (4) phối hợp giữa vần, nhịp, hình ảnh thơ, và các biện pháp tu từ.
Ngôn ngữ thơ
Ngôn ngữ thơ có đặc điểm là ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh, ưu tiên gợi cảm giác hơn là mô tả, và có nhạc điệu đặc trưng. Nó được tổ chức thành cấu trúc đặc biệt với vần, nhịp, thanh điệu, và đối. Thế giới nội tâm của nhà thơ được thể hiện không chỉ qua ý nghĩa của từ ngữ mà còn qua âm thanh và nhịp điệu của chúng, làm tăng thêm ý nghĩa và gây ấn tượng sâu sắc đến cảm xúc của người đọc.
Biện pháp tu từ: Chơi chữ, điệp thanh và điệp vần – Đặc điểm và tác dụng
Chơi chữ là một biện pháp tu từ sử dụng âm thanh và từ ngữ để tạo ra những ý nghĩa bất ngờ, thú vị, nhằm làm tăng sức hấp dẫn của văn bản. Chơi chữ có thể dựa trên hiện tượng đồng âm, lối nói gần âm, lặp âm, nói lái, hay tách từ. Biện pháp này thường xuất hiện trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là trong thơ trào phúng, cũng như trong giao tiếp hàng ngày.
Ví dụ
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bởi xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.
(Ca dao)
Trong ví dụ này, tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp chơi chữ qua hiện tượng đồng âm (lợi – “lợi ích” và lợi – “phần thịt bao quanh chân răng”) để tạo ra một sắc thái hài hước, dí dỏm, làm cho bài ca dao trở nên hấp dẫn hơn.
Điệp thanh là biện pháp tu từ lặp lại các thanh diệu (thường là thanh bằng hoặc thanh trắc) với mục đích tạo ra nhạc tính, làm tăng tính tạo hình và sức biểu cảm của văn bản.
Ví dụ
Khi trời quanh tôi làm bằng to
Khi trời quanh tôi làm bằng thơ.
(Xuân Diệu, Nhị hồ)
Việc lặp lại sáu thanh bằng liên tiếp trong mỗi dòng thơ tạo ra một không gian nhẹ nhàng và thơ mộng. Biện pháp điệp thanh không chỉ tăng tính tạo hình và sức biểu cảm của diễn đạt mà còn góp phần tạo nên nhạc tính cho đoạn thơ.
Điệp vần là biện pháp tu từ lặp lại những âm tiết có vần giống nhau nhằm nâng cao sức biểu cảm và nhạc tính của văn bản.
Ví dụ
Lá bàng đang đỏ ngọn cây
Sếp giang mang lạnh đang bay ngang trời
(Tố Hữu, Tiếng háy sang xuân)
Trong ví dụ này, việc lặp lại âm tiết có vần “ang” làm tăng nhạc tính cho hai dòng thơ, đồng thời giúp người đọc hình dung về một không gian rộng lớn, khoáng đạt.
Với những hướng dẫn soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11 – Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo (Tập 1) ngữ văn chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.