Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 16 – Kết nối tri thức – Ngữ văn lớp 7 tập 2

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 16 – Kết nối tri thức – Ngữ văn lớp 7 tập 2 trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân tích, tìm hiểu về bài học một cách toàn diện nhất.

 

* Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống: 

– Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.

– Trình bày được sự tán thành đối với ý kiến cần bàn luận.

– Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.

* Phân tích bài viết tham khảo: 

– Bài viết nêu vấn đề: vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi con người.

– Ý kiến của người khác thu hút sự chú ý: Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi người.

– Người viết tán thành với ý kiến đó. (Riêng tôi, sau khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lý).

– Lí lẽ: Ông bà, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng, mà còn dạy bảo những điều hay lẽ phải cho ta từ thuở ấu thơ, tình cảm thiêng liêng cao đẹp, sự đối xử của các thành viên trong gia đình với nhau là những bài học thấm vào ta một cách tự nhiên.

– Bằng chứng: Người viết nhớ lại một kỉ niệm: giơ 4 ngón tay lên để trả lời cho câu hỏi của người lớn, khiến mẹ phải nhắc nhở. Điều này thành bài học đáng nhớ về thái độ trong giao tiếp.

* Thực hành viết theo các bước

1 TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài 

– Đề tài được chọn phải thoả mãn các điều kiện: phải là vấn để mình thực sự quan tâm và hiểu biết, có những ý kiến khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá; có thể xác định thái độ dứt khoát đối với vấn đề đó.

Ví dụ: 

– Thành công và thất bại.

– Ham mê trò chơi điện tử. 

– Đồ dùng bằng nhựa. 

b. Tìm ý

– Vấn đề bàn luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

– Giải thích thế nào là trò chơi điện tử. 

– Trình bày thực trạng ham mê trò chơi điện tử.

– Nguyên nhân hiện tượng ham mê trò chơi điện tử.

– Hậu quả ham mê trò chơi điện tử.

– Lựa chọn nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử. 

– Những lí lẽ và bằng chứng: trong cuộc sống, … 

c. Lập dàn ý

– Dàn ý là kết quả của việc sắp xếp hợp lí các ý đã tìm được ở trên, phân bố chúng vào từng phần khi viết bài. 

2 VIẾT BÀI

Bài mẫu tham khảo:

          Học tập là một vấn đề quan trọng kéo dài suốt cuộc đời của mỗi con người. Để có thể tiếp thu được những tri thức, những điều hay trong thế giới mênh mông này thì bản thân mỗi chúng ta không thể đi một mình mà cần có sự soi đường chỉ lối của những người xung quanh. Ông cha ta đã từng đề cao vai trò của người thầy qua câu nói “Không thầy đố mày làm nên”. Thế nhưng lại cũng có một câu nói cho rằng “Học thầy không tày học bạn”. Tuần trước cô giáo đã tổ chức cho lớp tôi thảo luận về đề tài này: việc học ai mới là điều đúng đắn nhất của mỗi con người?

          Các bạn học sinh mỗi người một ý kiến, bàn luận rất sôi nổi. Có người cho rằng câu “Không thầy đố mày làm nên” là hoàn toàn chính xác bởi vì chúng ta đều không thể phủ nhận được vai trò của người thầy trong quá trình học tập là rất quan trọng. Ngay từ buổi đầu tiên đi học chúng ta đã được dìu dắt bởi các thầy cô giáo. Họ là những người lái đò cần mẫn và tận tụy đem những kiến thức truyền đạt cho muôn thế hệ học trò. Những người thầy cô không chỉ dạy ta trí thức mà còn dạy cho chúng ta đạo đức làm người. Những bài học dễ hiểu, cặn kẽ hơn được chúng ta lĩnh hội dưới đôi bàn tay chỉ dẫn của những người thầy. Vì thế các bạn đều cho rằng câu nói không thầy đố mày làm nên là rất xác đáng bởi nếu như không có thầy thì chúng ta khó có thể làm nên điều gì trong cuộc đời.

          Tuy nhiên một số bộ phận các bạn học sinh khác lại cho rằng câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” sẽ đúng với hiện thực ngày nay hơn. Cuộc sống của mỗi con người đều có sự giao tiếp với những người xung quanh. Mỗi một người sẽ cho chúng ta học tập được một số những điều khác nhau. Bạn bè luôn là người dạy cho chúng ta những điều gần gũi cùng lứa tuổi. Những bài học mà bạn bè dạy nó có ý nghĩa thực tế hơn rất nhiều những bài học trong sách giáo khoa. Hơn nữa các bạn đều cho rằng không phải lúc nào thầy cô cũng có thể ở bên cạnh để kèm cặp, giáo dục chúng ta. Thực tế cho thấy rằng khoảng thời gian mà các bạn học sinh tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh nhiều hơn. Bạn bè ở đây có thể là đồng trang lứa, cũng có thể là những người hơn tuổi chúng ta. Họ khi cho chúng ta được một bài học trí thức nào đó thì đều có vai trò giống như một người thầy.

          Riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi thấy ý kiến của các bạn đều có điểm đúng. Hai câu nói này tưởng chừng như là mâu thuẫn với nhau nhưng cần phải bổ sung ý nghĩa cho nhau. Mỗi người học sinh chúng ta đều cần có sự dìu dắt và giúp đỡ của các thầy cô, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng có thể học từ bạn bè, những người xung quanh. Nhìn chung, du học ở ai người nào thì cũng đều là tiếp thu những bài học tri thức, đem đến cho chúng ta những bài học giá trị. Vì vậy bản thân mỗi người cần phải giữ vững lập trường, biết chọn bạn, chọn thầy để học và hãy không ngừng lắng nghe tiếp thu giúp bản thân mỗi ngày hoàn thiện hơn.

          Cả hai câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và “học thầy không tày học bạn” không mâu thuẫn với nhau vì cả hai câu đều có vai trò của người thầy với người học. Hai câu tục ngữ “học thầy không tày học bạn”, “không thầy đố mày làm nên” tách rời nhau, có khía cạnh đúng và hạn chế, nhìn bề ngoài như mâu thuẫn nhau nhưng phối hợp nội dung hai câu tục ngữ sẽ có lời khuyên học hỏi tốt nhất: chúng ta phải coi trọng việc học ở thầy, đồng thời phải biết học ở bạn.

3 CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Rà soát, chỉnh sửa các phần, các đoạn của bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Nội dung rà soát Hướng dẫn chỉnh sửa
Ý kiến về vấn đề đời sống đã nêu rõ ràng chưa?  Nêu ý kiến chưa nêu rõ trong phần mở bài thì phải bổ sung.  
Đã khẳng định được sự tán thành ý kiến chưa?  Nếu sự tán thành ý kiến thể hiện chưa rõ thì phải chỉnh sửa về cách diễn đạt. 
Việc tán thành ý kiến đã có sức thuyết phục chưa? Lí lẽ và bằng chứng được nêu có phù hợp với nội dung nghị luận không?  Bổ sung, thay đổi nếu thấy lí lẽ và bằng chứng chưa làm cho sự tán thành đủ sức thuyết phục. 
Đã rút ra được ý nghĩa của việc tán thành ý kiến chưa?  Bổ sung nếu thấy ý nghĩa của việc tán thành ý kiến còn mờ nhạt. 
Việc sử dụng từ ngữ, câu văn, cách liên kết các câu trong đoạn và các đoạn trong bài đã đạt yêu cầu chưa?  Chỉnh sửa những lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, bổ sung từ ngữ liên kết nếu thấy giữa các câu, các đoạn còn rời rạc. 

 

 

Với những hướng dẫn soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 16 – Kết nối tri thức – Ngữ văn lớp 7 tập 2 chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.