Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Ngữ văn lớp 9 chân trời sáng tạo (Tập 1)

Hướng dẫn soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Ngữ văn lớp 9 chân trời sáng tạo (Tập 1) chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về tác phẩm này.

Chuẩn bị đọc

Câu hỏi (trang 126 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em nghĩ gì về những người sẵn sàng cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn?

Trả lời: Những người luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác trong lúc nguy nan là những người dũng cảm. Trong muôn vàn điều tốt đẹp của con người, lòng dũng cảm là một phẩm chất đạo đức cao quý. Con người luôn cần cái đẹp và luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Cùng với các phẩm chất cao quý khác, lòng dũng cảm cần được gìn giữ và nuôi dưỡng để nó luôn tồn tại trong đời sống.

Trải nghiệm cùng văn bản

1, Tưởng tượng: Em hình dung thế nào về cảnh “tả đột hữu xung” của Lục Vân Tiên trong đoạn thơ này?

Đây là một cuộc chiến không cân sức: một bên là bọn cướp hung ác, đông đảo, trang bị đầy đủ vũ khí; còn bên kia chỉ là một thân đơn độc, không có sự hỗ trợ.

2, Suy luận: Việc Vân Tiên bảo Nguyệt Nga “khoan khoan ngồi đó chớ ra…” cho thấy chàng là người như thế nào?

Câu nói của Vân Tiên với Nguyệt Nga: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai” cho thấy chàng là người tuân thủ đúng chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.

3, Suy luận: Hai dòng thơ cuối của văn bản gợi cho em suy nghĩ gì?

Hai dòng thơ cuối: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” và đặc biệt là câu nói của Vân Tiên: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, cho thấy một hình ảnh anh hùng lý tưởng, người luôn tự nguyện làm việc nghĩa mà không mong cầu đền đáp.

Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Ngữ văn lớp 9 chân trời sáng tạo (Tập 1)

Suy ngẫm và phản hồi

Nội dung chính: Đoạn trích nêu bật những phẩm chất cao đẹp của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên là người tài giỏi, dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài; Kiều Nguyệt Nga là người hiền lành, đức hạnh, ân tình. Qua đó, tác giả Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ khát vọng hành đạo giúp đời của mình.

Câu 1 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Theo em, nhan đề Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga có thể hiện được nội dung bao quát của văn bản không? Vì sao?

Trả lời: Nhan đề Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện được nội dung chính của văn bản.

Vì văn bản tập trung vào hành động của Lục Vân Tiên, người đã cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp, thể hiện tinh thần nghĩa hiệp và tình người trong xã hội. Nhan đề cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cứu giúp người trong cơn nguy khó, đồng thời đề cao tinh thần nghĩa khí, sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn.

Câu 2 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tóm tắt các sự việc được kể và xác định bố cục của văn bản.

Trả lời:

Tóm tắt các sự việc được kể: Trên đường về thăm nhà trước khi lên kinh thi, Lục Vân Tiên đã gặp phải bọn cướp đang hoành hành. Anh đã dũng cảm một mình xông vào đánh bại bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.

Bố cục:

  • Phần 1: 14 câu đầu: Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga.
  • Phần 2: Còn lại: Cuộc đối thoại giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Câu 3 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhân vật Lục Vân Tiên hiện lên với những phẩm chất nào? Đó có phải là phẩm chất của người anh hùng không? Vì sao? Phân tích một số chi tiết miêu tả hành động, lời nói của Lục Vân Tiên để làm rõ ý kiến của em.

Trả lời:

Lục Vân Tiên hiện lên là một chàng trai tài năng, trượng nghĩa, có học thức và giữ đúng lễ giáo.

Đó là những phẩm chất của một người anh hùng.

Những phẩm chất này thể hiện qua hành động và lời nói của Lục Vân Tiên.

  • Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô: thể hiện sự nhanh trí và dũng cảm của Lục Vân Tiên.
  • Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân: Chàng bày tỏ rõ lập trường chính nghĩa, không phải hành động lén lút.
  • Trận đánh diễn ra gay cấn, với nguy hiểm bủa vây tứ phía, nhưng Lục Vân Tiên vẫn kiên cường tả xung hữu đột, giống như Triệu Tử phá vòng vây.

Lục Vân Tiên gặp và trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga.

  • Khi nghe tiếng khóc, Lục Vân Tiên hỏi: Ai than khóc ở trong xe này?
  • Người trong xe trả lời rằng: Tôi thiệt người ngay/Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ. Lục Vân Tiên ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai: giữ vững chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.
  • Lục Vân Tiên hỏi về tên tuổi, xuất thân và lý do gặp nạn của Kiều Nguyệt Nga. Khi Nguyệt Nga đề nghị Lục Vân Tiên cùng đi gặp cha để đền ơn, Lục Vân Tiên từ chối: Làm ơn há dễ trông người trả ơn… Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Câu 4 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích đặc điểm của nhân vật Kiều Nguyệt Nga (lưu ý những cử chỉ, lời nói của nàng khi đáp lời Lục Vân Tiên).

Trả lời:

Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, thùy mị và thông minh. Điều này được thể hiện qua:

Sau khi lắng nghe lời nói của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga nhận ra người đã cứu mình là một người quân tử, ngay lập tức kể rõ hoàn cảnh của mình: Nàng cùng tỳ nữ tên Kim Liên, quê quán tại quận Tây Xuyên, trên đường đến Hà Khê theo thư của cha để định việc hôn nhân: “Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.”

Kiều Nguyệt Nga còn bày tỏ mong muốn Lục Vân Tiên đồng hành cùng nàng về gặp cha để đáp lễ: “Gẫm câu báo đức thù công/Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.”

=> Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư có học thức, biết ơn và rất mực hiếu nghĩa.

Câu 5 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định chủ đề của văn bản và phân tích các căn cứ giúp em xác định chủ đề đó.

Trả lời:

Chủ đề: Khát vọng về công lý.

Lý do: Văn bản cho thấy Lục Vân Tiên là người hùng sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn mà không toan tính. Anh hành động vì chính nghĩa, bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Anh dũng cảm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người và chống lại những điều xấu xa. Hai câu thơ cuối thể hiện quan niệm rằng người anh hùng là người làm việc nghĩa không toan tính, coi đó là trách nhiệm và lẽ sống của mình.

Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Ngữ văn lớp 9 chân trời sáng tạo (Tập 1) 2

Câu 6 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua văn bản? Ngày nay, thông điệp ấy có còn giá trị không? Vì sao?

Trả lời:

Thông điệp: Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của tình nghĩa giữa con người với nhau trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bạn bè, lòng nhân ái đối với những người gặp hoạn nạn. Đồng thời, tác giả đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu giúp người gặp khó khăn, thể hiện khát vọng về công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống (kết thúc có hậu, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

Ngày nay, thông điệp ấy vẫn còn giá trị sâu sắc vì con người luôn khao khát hướng tới cái đẹp và những phẩm chất cao quý như lòng dũng cảm cần được duy trì, phát huy để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 7 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm hiểu sự nghiệp, quá trình sáng tác thơ văn của tác giả Nguyễn Đình Chiểu và chỉ ra một số điểm tương đồng, khác biệt (nếu có) giữa:

Hoàn cảnh, mục đích sáng tác Truyện Lục Vân Tiên và các tác phẩm khác của ông như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,…

Tình cảm, cảm xúc của tác giả khi kể lại hành động Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên và khi nhắc đến “trang dẹp loạn” trong bài thơ Chạy giặc (xem thêm Ngữ văn 8, tập hai, bộ sách Chân trời sáng tạo).

Trả lời:

Hoàn cảnh, mục đích sáng tác

Tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên:

Hoàn cảnh: “Truyện Lục Vân Tiên” là một tác phẩm văn học nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được viết vào khoảng đầu thế kỷ 19, trong bối cảnh xã hội loạn lạc, phong kiến suy tàn.

Mục đích: Tác phẩm thể hiện tư tưởng đạo đức, nhấn mạnh về nhân nghĩa và luân lý trong cuộc sống, nhằm khuyên bảo con người sống đúng với đạo lý, tôn trọng lẽ phải và công bằng.

Tác phẩm Chạy giặc:

Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam với tiếng súng đầu tiên tại bán đảo Sơn Trà. Chứng kiến cảnh nhân dân chạy loạn trước cảnh giặc tràn vào quê hương, Nguyễn Đình Chiểu viết “Chạy giặc” để ghi lại nỗi đau và xót xa của mình.

Mục đích: Tác phẩm bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa trước cảnh quê hương bị tàn phá, nhân dân lâm vào cảnh chạy loạn, và đồng thời thể hiện lòng yêu nước sâu sắc của tác giả.

Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:

Hoàn cảnh: Được sáng tác sau khi nghĩa sĩ Cần Giuộc anh dũng hy sinh trong cuộc tấn công vào đồn Pháp, Nguyễn Đình Chiểu viết bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để tưởng nhớ và tôn vinh những anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ quê hương.

Mục đích: Tác phẩm nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của những người nông dân đã đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, đồng thời ghi lại sự hy sinh oanh liệt của họ cho hậu thế.

Tình cảm, cảm xúc của tác giả:

Trong Truyện Lục Vân Tiên: Khi kể về hành động của Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh phẩm hạnh của nhân vật chính. Tác giả bày tỏ sự phê phán đối với bọn cướp và đánh giá cao hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên, thể hiện một niềm tin vào chính nghĩa và công lý.

Trong bài Chạy giặc: Tình cảm của tác giả khi nhắc đến “trang dẹp loạn” trong bài thơ là sự thất vọng và nỗi xót xa sâu sắc trước tình trạng quê hương lâm vào cảnh hỗn loạn. Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ nỗi buồn, lo lắng và sự chỉ trích đối với những người có trách nhiệm mà không làm tròn bổn phận. Cảm xúc của tác giả là sự phẫn uất và lo âu về tình hình đất nước, đồng thời là một tiếng kêu cứu và kêu gọi trách nhiệm đối với những kẻ có khả năng và nhiệm vụ nhưng lại không thực hiện được.

Với những hướng dẫn soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Ngữ văn lớp 9 chân trời sáng tạo (Tập 1) chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của tác phẩm này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.