Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 83
Hướng dẫn soạn bài Củng cố, mở rộng trang 83 Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua việc thực hành trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn và bài tập, chúng ta có thể củng cố kiến thức cơ bản về bài học này.
Câu hỏi 1: (SGK Ngữ văn 9 Tập 1 – Trang 83)
So sánh và nêu nhận xét về cách miêu tả nhân vật của Nguyễn Du trong đoạn trích Kim – Kiều gặp gỡ (từ câu Bóng hồng nhác thấy nẻo xa đến câu Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha) với đoạn trích sau:
Hai nàng tránh không được, phải cùng bước ra chào. Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thì thấy Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào; còn Thúy Vân thì tinh thần lĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả.
Bị sắc đẹp quyến rũ, Kim Trọng bất giác thần hồn phiêu bạt, nghĩ thầm: “Nọc tương tư này tai hại lắm đây. Lại âm thầm phát thệ: “Mình mà không được hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai”. Nhưng vì ngại có Vương Quan, không tiện đứng lâu, đành cùng nhau từ biệt.
Đồng thời, Vương Viên ngoại cũng sai người đem kiệu đến đón. Hai nàng lên kiệu về nhà.
(Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện)
Gợi ý trả lời:
Giống nhau:
- Cả hai đoạn đều miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và hai chị em Thúy Kiều.
- Cả hai đoạn đều miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của Thúy Kiều và Thúy Vân.
Khác nhau:
Đoạn trích thơ | Đoạn trích truyện |
Miêu tả chung chung vẻ đẹp bên ngoài của hai chị em bằng biện pháp ước lệ tượng trưng, như “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”, từ “quốc sắc”. | Miêu tả chi tiết từng nét đẹp của Thúy Kiều (mày nhỏ, dài, mắt trong sáng) và Thúy Vân (dung mạo đoan trang, phong thái riêng). |
Tập trung vào tâm tư, tình cảm của Kim Trọng và chị em Thúy Kiều bằng nhiều tính từ mỹ lệ, gợi cảm. | Tập trung kể hành động của Kim Trọng, tâm trạng của Kim Trọng thể hiện qua lời độc thoại nội tâm. |
Nhận xét về cách miêu tả nhân vật của Nguyễn Du:
- Nguyễn Du chủ yếu miêu tả cảm xúc và tâm trạng của các nhân vật bằng nhiều tính từ mang sắc thái mỹ lệ hóa, làm cho cảnh vật và con người trở nên lãng mạn và đầy cảm xúc.
- Ông ưa chuộng sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng, lấy hình ảnh thiên nhiên để nói về vẻ đẹp con người, giúp tăng thêm phần trang nhã và thẩm mỹ cho miêu tả nhân vật.
Câu hỏi 2: (SGK Ngữ văn 9 Tập 1 – Trang 84)
Kẻ bảng vào vở theo mẫu dưới đây và điền thông tin phù hợp về các văn bản đọc trong bài:
Gợi ý trả lời:
STT | Văn bản | Tác giả | Thể loại | Nội dung chủ đề | Đặc sắc nghệ thuật |
1 | Kim – Kiều gặp gỡ | Nguyễn Du | Truyện thơ Nôm | Cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và chị em Thúy Kiều, nỗi tương tư và lo âu trong tình yêu của Thúy Kiều. | – Kết hợp ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ độc thoại và đối thoại.
– Bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình. – Sử dụng thể thơ lục bát truyền thống. |
2 | Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga | Nguyễn Đình Chiểu | Truyện thơ Nôm | Cuộc dẹp loạn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga của Lục Vân Tiên và quan niệm về người anh hùng của chàng. | – Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang dấu ấn, nhân cách riêng.
– Chủ yếu sử dụng ngôn ngữ bình dân gần gũi, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ; kết hợp với ngôn ngữ bác học. |
3 | Tự tình | Hồ Xuân Hương | Thơ thất ngôn bát cú Đường luật | Nỗi niềm của người phụ nữ khi tình duyên lỡ làng, dở dang và khát vọng hạnh phúc của họ. | – Ngôn ngữ thơ mang đậm dấu ấn cá nhân.
– Kết hợp tiếng nói trữ tình, sâu lắng với tiếng cười chua xót. – Sử dụng nhiều chất liệu thơ ca dân gian. |
Câu hỏi 3: (SGK Ngữ văn 9 Tập 1 – Trang 84)
Tự lựa chọn một đoạn thơ (tối thiểu 12 câu) trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) hoặc Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) và thực hiện yêu cầu sau:
a. Xác định bố cục của đoạn trích và nêu ý chính của từng phần.
b. Phân tích hình tượng thiên nhiên hoặc con người trong đoạn trích.
c. Chỉ ra những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.
Gợi ý trả lời:
a. Xác định bố cục và nêu ý chính:
Bố cục: 2 phần
- Phần 1: Từ “Vân Tiên ghé lại” đến “thác rày thân vong” – Miêu tả cuộc chiến giữa Lục Vân Tiên và bọn cướp.
- Phần 2: Còn lại – Lời báo ân của Kiều Nguyệt Nga.
b. Phân tích hình tượng con người trong đoạn trích:
Lục Vân Tiên:
- Hiện lên là một người anh hùng có sức khỏe phi thường và tinh thần dũng cảm. Chàng chỉ cần một cành cây cũng có thể đánh tan bọn cướp, hạ gục tướng giặc trong nháy mắt.
- Vân Tiên còn là người biết quan tâm, yêu thương mọi người và không khoan nhượng với cái ác.
Kiều Nguyệt Nga:
- Là tiểu thư đài các, con gái một tri phủ, nàng hiếu thảo với cha mẹ, luôn tuân thủ nhiệm vụ dù phải vượt qua ngàn dặm đường xa.
- Kiều Nguyệt Nga biết ơn người đã cứu mình và luôn tâm niệm trả ơn dù phải đánh đổi bằng tài sản hay công sức.
- Nàng được giáo dục kỹ lưỡng, lịch sự, nói năng ý tứ và thể hiện lòng biết ơn một cách chân thành.
Phong Lai (tên tướng cướp): Tướng cướp độc ác, kiêu ngạo nhưng cuối cùng vẫn chết dưới tay Lục Vân Tiên, thể hiện sự thất bại của cái ác trước cái thiện.
c. Nét đặc sắc trong nghệ thuật và nội dung:
Đặc sắc trong nội dung: Miêu tả chi tiết những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, đồng thời lên án mạnh mẽ những kẻ xấu xa, ỷ mạnh hiếp yếu.
Đặc sắc trong nghệ thuật:
- Lời đối thoại được xây dựng phù hợp với từng kiểu nhân vật, tạo nên sự sinh động và chân thực.
- Sử dụng hàng loạt động từ mạnh và từ ngữ binh đao để miêu tả sự mạnh mẽ, quyết liệt của Lục Vân Tiên.
- Câu thơ nhịp nhàng, thanh điệu hài hòa, giúp bài thơ trở nên dễ đọc, dễ cảm nhận.
Bằng cách phân tích trên, ta thấy rõ nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong việc khắc họa hình tượng anh hùng Lục Vân Tiên và vẻ đẹp tinh thần của Kiều Nguyệt Nga.
Với những hướng dẫn soạn bài Củng cố, mở rộng trang 83 Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết như trên. Hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính của bài học này. Chúc các bạn có những bài soạn thật tốt, để thuận tiện trong quá trình tiếp thu bài giảng.